Thứ bảy, Tháng mười hai 7, 2024
spot_img
Trang chủLuật sư Tư vấnSửa đổi chấm dứt hợp đồng do thay đổi hoàn cảnh cơ...

Sửa đổi chấm dứt hợp đồng do thay đổi hoàn cảnh cơ bản

Khi xây dựng hợp đồng, đặc biệt các hợp đồng có sự tham vấn, tư vấn của Luật sư, thì các bên luôn cố gắng để dự trù tương đối các sự kiện xảy ra trong tương lai. Mục đích xây dựng các tình huống, phương pháp xử lý khi xảy ra sự cố nhằm hạn chế tối đa các tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Tuy nhiên, không phải lúc nào các bên cũng có thể dự liệu hết được các tình huống, sự kiện có thể diễn ra ảnh hưởng tới việc thực hiện hợp đồng. Các sự kiện này có thể xảy ra một cách chủ quan hoặc khách quan. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của người xây dựng, đàm phán hợp đồng.

Để bảo đảm quyền bình đẳng tương đối giữa các bên đối với các biến động, thay đổi trong tương lai mà các bên không thể dự lượng hết được tại thời điểm thoả thuận, ký kết hợp đồng, Bộ luật dân sự năm 2015 đã có một quy định mới về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Vậy khi nào được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản và các bên có nghĩa vụ, quyền gì khi có sự thay đổi này?

Căn cứ các quy định của Bộ luật dân sự 2015, Luật sư CMA tư vấn như sau:

  1. Xác định Hoàn cảnh thay đổi cơ bản ảnh hưởng khi thực hiện hợp đồng:

Được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng.

Hoàn cảnh thay đổi do tác động của các yếu tố khách quan (không do ý chí của một trong các bên trong hợp đồng hoặc các bên liên quan tới hợp đồng tác động đến, tạo ra), phải là xảy ra trên diện rộng và không phải là đã diễn ra trước hoặc tại thời điểm ký hợp đồng. Ví dụ: Sự biến động của giá hàng hoá trên toàn thị trường hoặc sự ảnh hưởng trên diện rộng trong một khoảng thời gian dài của một quyết định hành chính.

Thứ hai, Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh.

Nguyên nhân khách quan tại điều kiện thứ nhất là chưa đủ. Bởi lẽ, có nguyên nhân khách quan buộc các bên phải dự trù trước được hoặc có thể đoán biết trước hoặc tính toán trước được sự kiện đó và buộc phải có biện pháp để phòng ngừa. Vì vậy, chỉ các nguyên nhân khách quan mà các bên không thể tiên lượng, không có cơ sở, căn cứ để tính toán, dự liệu trước được tại thời điểm ký hợp đồng mới được coi là tiêu chí đánh giá thay đổi hoàn cảnh. Điều này sẽ rất khó để định lượng, tính toán phụ thuộc vào thực tế hoàn cảnh, nguyên nhân khách quan đó.

Ví dụ: A vay tiền của Ngân hàng B để mua nhà, khi đó lương của A là 50 triệu đồng/tháng đủ điều kiện để trả nợ. Tuy nhiên, 1 năm sau A Công ty A phá sản, A mất việc, không xin được việc làm nên chưa có tiền trả nợ. Trong trường hợp này, A buộc phải dự trù trước được có thể có sự biến đổi về công việc của mình trong tương lai không thể viện dẫn quy định về hoàn cảnh thay đổi để chấm dứt hợp đồng, không trả lãi cho ngân hàng được.

Ví dụ: Ảnh hưởng của Dịch covid 19 dẫn tới chính quyền có các lệnh giãn cách xã hội, cấm hoạt động kinh doanh một số ngành nghề đặc thù. Thì các lệnh hành chính, nguyên nhân dịch bệnh này các bên khó có thể tính toán, tiên lượng được.

Thứ ba, Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác.

Nguyên nhân khách quan làm cho sự thay đổi hoàn cảnh này dẫn đến một trong các bên không thể đạt được mục đích giao kết hợp đồng, mục đích cơ bản của hợp đồng không thể đạt được. Điều kiện này bổ sung, bổ trợ làm chặt chẽ thêm cho hai điều kiện trên đây.

Ví dụ: Giá thép tăng 40% so với thời điểm ký hợp đồng. Tại thời điểm giao hàng, bên bán không còn hàng để giao mặc dù đã nhận cọc. Nếu biết trước giá thép sẽ tăng mức độ lớn như vậy, thì đương nhiên Bên bán không bao giờ ký hợp đồng với bên mua hoăc nếu có ký thì giá mua bán sẽ là một giá khác không phải giá làm cho bên bán bị lỗ đến 40% giá trị.

Thứ tư, Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên.

Điểu luật thể hiện tính cần thiết, cấp thiết của việc sửa đổi hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng.

Điều luật quy định là thiệt hại nghiêm trọng không có định lượng thế nào được coi là nghiêm trọng? Nghiêm trọng là toàn bộ hoạt động của một bên hay là đánh giá trong một giao dịch đó?

Ví dụ: Bên bán ký hợp đồng sẽ nhập và bán cho bên mua 1 lô hàng trị giá 1 tỷ đồng. Bên bán là doanh nghiệp có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Nếu thực hiện đơn hàng này do giá hàng hoá đầu vào tăng 50% thì bên bán sẽ lỗ 500 triệu đồng. Vậy, trường hợp này có được coi là thiệt hại nghiêm trọng cho một bên hay không?

Theo quan điểm của tác giả, thì cần đánh giá thiệt hại nghiêm trọngcho một bên trong trường hợp này là thiệt hại trong chính giao dịch, hợp đồng đó. Không xem xét, đánh giá ở mức thiệt hại trên tổng thể hoạt động, tình hình tài chính của một bên. Sẽ được coi là thiệt hại nghiêm trọng nếu một bên không những không đạt được mục đích giao dịch mà còn bị thiệt hại (lỗ) ở mức khó chấp nhận được trong một giao dịch.

Ví dụ như trong trường hợp trên, bên bán không những không hoà vốn mà còn lỗ 50% thì đây là một thiệt hại nghiêm trọng. Yếu tố nghiêm trọng hay không nghiêm trọng thì còn tuỳ thuộc đánh giá của thẩm phán trong quá trình xét xử và thực trạng của bên bị ảnh hưởng.

Thứ năm, Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

Bản chất điều kiện này nhằm chống lại việc vận dụng, viện dẫn tràn lan điều luật của một bên do không thiện chí, lỗ lực thực hiện hợp đồng.

Điều luật này bắt buộc bên bị ảnh hưởng phải đã áp dụng các biện pháp tốt nhất, có thể để ngăn chặn, giảm thiểu mức độ thiệt hại để tiếp tục thực hiện hợp đồng nhưng không thể được.

  1. Quyền của một bên khi có sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản:

2.1. Đàm phán sửa đổi hợp đồng:

Điều luật cho phép bên bị ảnh hưởng do hoàn cảnh thay đổi được quyền chủ động đưa ra yêu cầu đàm phán sửa đổi hợp đồng trong một khoảng thời gian hợp lý. Mức độ hợp lý phụ thuộc vào tính cấp thiết của vấn đề, mức độ, khoảng cách tiếp cận để có thể đàm phán giữa các bên.

Luật trao quyền chủ động cho bên có lợi ích bị ảnh hưởng để có biện pháp, đề xuất phương án đàm phán, sửa đổi hợp đồng phù hợp. Tinh thần chung của pháp luật về dân sự là tôn trọng các thoả thuận không trái luật của các bên trong giao dịch. Vì vậy, bên bị ảnh hưởng khi chưa thực hiện biện pháp đề xuất sửa đổi hợp đồng thì chưa thể yêu cầu toà án giải quyết việc sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng.

Ví dụ: Với hợp đồng thuê nhà, thời hạn thanh toán là hàng quý hoặc theo năm. Khi hợp đồng gần đến thời hạn thanh toán mà xảy ra hoàn cảnh thay đổi thì bên thuê có thể ấn định thời gian đàm phán là 30 ngày.

2.2. Yêu cầu Toà án sửa đổi, chấm dứt hợp đồng:

Trong trường hợp các bên không thể đưa ra phương án sửa đổi, chấm dứt hợp đồng phù hợp thì một trong các bên có quyên yêu cầu toà án sửa đổi, chấm dứt hợp đồng.

Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.

Việc đánh giá cần sửa đổi hay chấm dứt hợp đồng sẽ theo nhận định, đánh giá chủ quan của Hội đồng xét xử về mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Ví dụ: Trong hợp đồng thuê mặt bằng, một bên đề xuất giá thuê tính theo % doanh thu với mức đề xuất là 10%/doanh thu và không xác định thời hạn. Bởi lẽ, bản thân bên thuê không định lượng được mình có phát sinh doanh thu được hay không? và nếu có doanh thu thì sẽ là bao nhiêu? Tuy nhiên, đứng ở góc độ bên cho thuê thì bản thân trong giá thuê cũng cấu thành của các khoản chi phí cố định khác ví dụ: Lãi suất vay ngân hàng, chi phí khấu hao mặt bằng, nhân công, điện nước, khấu hao thiết bị … vậy nếu % doanh thu này không đảm bảo thì sẽ gây thiệt hại lớn hơn cho bên cho thuê. Do đó, việc sửa đổi hợp đồng khó có thể đạt được mục đích của hai bên trong hợp đồng đã sửa.

Theo quy định tại điểm a khoản 3 điều 420 Bộ luật dân sự thì Toà án có thể chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định. Vậy thời điểm chấm dứt này là thời điểm nào? Đến nay, các văn bản dưới luật chưa có hướng dẫn cụ thể.

Có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này:

Quan điểm thứ nhất cho rằng:  Toà án ấn định thời điểm chấm dứt hợp đồng là một thời điểm hợp lý khi tất cả các điều kiện để thoả mãn “Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi thực hiện hợp đồng” như đã phân tích trên đây. Xét ở quan điểm này thì chưa phù hợp, bởi khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên bị ảnh hưởng phải thực hiện biện pháp đàm phán hợp đồng với bên còn lại trong một khoảng thời gian hợp lý. Trong trường hợp các bên không thể đàm phán, đi đến tiếng nói chung thì mới có thể yêu cầu toà án giải quyết. Đồng thời cũng phải xem xét trên từng loại giao dịch.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Thời điểm chấm dứt là thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật. Bởi lẽ tại khoản 4 điều 420 Bộ luật dân sự có quy định:

“4. Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”

Việc xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng không phải là vấn đề đơn giản. Bởi lẽ, theo quan điểm của tác giả cần phải đánh giá đến thiệt hại của đôi bên một cách tương đối khi chấm dứt hợp đồng.

Đối với hợp đồng mua bán thì có thể chấm dứt hợp đồng để một bên không phải thực hiện nghĩa vụ giao hàng cho bên còn lại tại thời điểm Hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Tuy nhiên, cần đánh giá đến các thiệt hại của bên mua hàng. Bởi lẽ bên mua hàng của giao dịch này có thể là bên bán hàng của một giao dịch khác? Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng liệu có ảnh hưởng tới lợi ích của bên còn lại trong một giao dịch khách hay không? có cần đưa vào để xem xét, đánh giá và xử lý trong cùng một vụ việc hay không? việc chấm dứt một giao dịch có dẫn tới chấm dứt toàn bộ các giao dịch khác có liên quan để không đẩy một bên vào tình huống khó khăn, thiệt hại còn lớn hơn hay không?

Đối với các hợp đồng thuê nhà, trường hợp bên thuê vẫn chưa bàn giao nhà trả lại mặt bằng (các bên chưa có hành vi chấm dứt hợp đồng trên thực tế) một bên thuê vẫn chiếm giữ nhà của bên cho thuê thậm chí là có hoạt động kinh doanh. Vậy thời điểm chấm dứt hợp đồng sẽ được xác định thế nào? Nếu là chấm dứt tại thời điểm hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì chưa đảm bảo quyền lợi cho bên còn lại vì bản thân tài sản của bên cho thuê vẫn đang bị bên thuê chiếm giữ, sử dụng, hợp đồng vẫn đang được bên cho thuê thực hiện đầy đủ nghĩa vụ.

Theo quan điểm của tác giả, việc xác định, ấn định thời hạn chấm dứt hợp đồng phải xem tổng hợp mọi yếu tố tác động để có thể cân bằng lợi ích, thiệt hại cho các bên, không đẩy một trong các bên vào tính huống bất lợi hoặc khó khăn hơn bên còn lại. Tuy nhiên, để đánh giá, định lượng được vấn đề này không hề đơn giản, phụ thuộc rất nhiều vào tính khách quan của Toà án.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_img

Bài viết được quan tâm