Thứ tư, Tháng chín 11, 2024
spot_img
Trang chủLuật sư Tư vấnLuật sư tư vấn Hợp đồngChế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng

Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng

Buộc thực hiện nghĩa vụ nói chung, buộc thực hiện đúng hợp đồng nói riêng là một trong các phương thức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của một bên khi có sự vi phạm của bên còn lại.

Theo quy định tại khoản 4 điều 11 Bộ luật dân sự 2015 thì Buộc thực hiện đúng hợp đồng là một trong các biện pháp bảo vệ quyền dân sự. Việc buộc thực hiện đúng hợp đồng có thể thực hiện bằng việc: i) Bên có quyền đưa yêu cầu buộc bên còn lại thực hiện; ii) Bên có quyền yêu cầu cơ quan chức năng buộc bên còn lại thực hiện nghĩa vụ. Đối với các tranh chấp thì thường là Toà án hoặc trọng tài (nếu có thoả thuận).

Theo Điều 297 Luật Thương mại 2005, “Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh”.

Có thể liệt kê một số trường hợp buộc thực hiện đúng hợp đồng như sau:

  1. Vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng thỏa thuận trong hợp đồng thì phải buộc giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thoả thuận trong hợp đồng. Bên vi phạm không được dùng hàng hóa khác chủng loại, loại dịch vụ khác, dùng tiền khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên bị vi phạm
  2. Vi phạm giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ chất lượng kém so với thỏa thuận hợp đồng thì bên vi phạm phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng.

Trường hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền mua hàng hoặc nhận cung ứng dịch vụ của người khác cùng chủng loại hàng hóa, dịch vụ ghi trong hợp đồng để thay thế, và bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu có; bên bị vi phạm có thể tự sửa chữa hàng hóa, thiếu sót của dịch vụ và được quyền bên vi phạm trả chi phí hợp lý.

Buộc thực hiện đúng hợp đồng nhằm đảm bảo thực hiện trên thực tế hợp đồng đã kí kết. Trong nhiều trường hợp, các chế tài khác như bồi thường thiệt hại hay phạt vi phạm không thể thay thế lợi ích từ việc thực hiện hợp đồng. Việc thực hiện đúng hợp đồng còn thể hiện sự uy tín của các bên giao kết hợp đồng, do đó các bên phải hoàn thành nghĩa vụ của mình để bảo đảm quyền lợi cho phía bên kia.

Buộc thực hiện đúng hợp đồng là một hình thức chế tài được áp dụng phổ biến khi có hành vi vi phạm. Các hành vi vi phạm là hành vi đã không thực hiện đúng những nghĩa vụ đã cam kết:

  • Không thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng.
  • Thực hiện không đúng các nghĩa vụ như đã thỏa thuận.
  • Thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ đã thỏa thuận.

Chế tài này tương đương với trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ, với trách nhiệm này, người vi phạm nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu của bên kia. Loại trách nhiệm này bao gồm:

  • Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật. (Điều 356 BLDS 2015)
  • Trách nhiệm do không thực hiện hoặc thực hiện không được thực hiện một công việc. (Điều 358 BLDS 2015)
  • Trách nhiệm do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự. (Điều 355 BLDS 2015)

Chế tài này thể hiện rõ trong nghĩa vụ chuyển giao tài sản. Nghĩa vụ chuyển giao tài sản là nghĩa vụ phổ biến trong hợp đồng mua bán tài sản. Bên có nghĩa vụ chuyển giao tài sản phải thực hiện nghĩa vụ của mình và việc không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao tài sản là một trong các nguyên nhân làm phát sinh trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng.

Căn cứ theo các quy định trên, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác thì bên bị vi phạm có thể áp dụng đồng thời chế tài buộc thực hiện hợp đồng, chế tài bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm, không được áp dụng các chế tài khác. Nghĩa là bên bị vi phạm nếu đã áp dụng buộc thực hiện hợp đồng thì chỉ được áp dụng bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm nếu thỏa mãn các điều kiện áp dụng theo quy định của pháp luật.

Bên bị vi phạm hợp đồng yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và mọi tổn thất phát sinh bên vi phạm sẽ phải chịu. Bên bị vi phạm có thể quyết định áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trước khi sử dụng các chế tài khác mà không bị mất đi quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại hay phạt vi phạm hợp đồng. Các chế tài khác chính là tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng.

Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 51 của Luật thương mại 2005 quy định như sau: “bên mua có bằng chứng về việc bên bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi bên bán đã khắc phục sự không phù hợp đó”. Theo điều luật này thì việc ngừng thanh toán chính là tạm ngừng thực hiện hợp đồng. Như vậy trong trường hợp này bên mua có thể cùng lúc áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng và chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng. Đây là mâu thuẫn trong các quy định của Luật Thương mại 2005.

Bên bị vi phạm hợp đồng áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trong những trường hợp mà việc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng không ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của mình. Bên bị vi phạm không thể lựa chọn áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng đối với những loại hàng hóa như mang tính chất mùa vụ, phụ thuộc vào thời điểm thích hợp trong năm.

Cơ sở thực tiễn của chế tài này chính là mục đích kí kết hợp đồng thương mại, các bên khi tham gia kí kết hợp đồng đều mong muốn quyền và nghĩa vụ đã cam kết được thực hiện một cách thiện chí và đầy đủ nhằm đạt được lợi ích kinh tế cho cả hai bên.

Trên thực tế có những trường hợp tiền phạt vi phạm hay tiền bồi thường thiệt hại không thể thay thế được các lợi ích từ việc thực hiện đồng. Trừ khi đã cố gắng nhưng không khắc phục được vi phạm, bên có quyền mới áp dụng các biện pháp chế tài khác như hủy bỏ hợp đồng, phạt vi phạm (nếu hai bên có thỏa thuận) hay yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có thiệt hại xảy ra). Do đó, so với các hình thức chế tài khác, buộc thực hiện đúng hợp đồng là chế tài mang tính mềm dẻo, hạn chế tổn thất thiệt hại hơn nhiều so với các hình thức chế tài khác

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_img

Bài viết được quan tâm