Thứ sáu, Tháng chín 13, 2024
spot_img
Trang chủLuật sư Tư vấnLuật sư tư vấn Hợp đồngChế tài bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng

Chế tài bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng

Công ty Luật CMA - Hotline: 0986.057.998 - 0944.296.698

  1. Định nghĩa bồi thường thiệt hại:

Bồi thường thiệt hại là một trong các phương thức để bảo vệ quyền dân sự khi có sự vi phạm nghĩa vụ của một bên gây thiệt hại cho bên còn lại.

Tại điều 13 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

Tại điều 360 Bộ luật dân sự 2015 quy định:  Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

Theo các quy định trên, thì đối với quan hệ dân sự nói chung, hợp đồng dân sự nói riêng thì bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Như vậy, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại phải đi kèm với: i) Hành vi vi phạm; ii) Thiệt hại thực tế; iii) Nguyên nhân và mối quan hệ giữa nguyên nhân với thiệt hại trên thực tế; iv) Không thuộc các trường hợp bất khả kháng. Tiêu chí đánh giá thiệt hại này được quy định rất rõ trong Luật thương mại năm 2005, cụ thể tại điều 303 quy định:

“Điều 303. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:

      1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;
      2. Có thiệt hại thực tế;
      3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.”

Trên thực tế có nhiều trường hợp khi soạn thảo hợp đồng, các bên có đưa ra các mức bồi thường thiệt hại mang tính chất ước định khi có hành vi vi phạm của một bên. Tuy nhiên, căn cứ các quy định trên đây, cũng như thực tiễn công tác xét xử của Toà án thì pháp luật Việt Nam không thừa nhận các thoả thuận bồi thường ước định trong hợp đồng mà không căn cứ vào thiệt hại thực tế. Do đó, nếu trong hợp đồng có thoả thuận ước định về mức bồi thường thiệt hại tương ứng với hành vi vi phạm của một bên thì sẽ không được Toà án chấp nhận trong trường hợp có tranh chấp.

Chế tài bồi thường thiệt hại có thể được áp dụng song song cùng các chế tài khác, ví dụ: Phạt vi phạm hợp đồng, buộc thực hiện đúng hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, huỷ bỏ hợp đồng.

  1. Nghĩa vụ của bên bị thiệt hại khi có hành vi gây thiệt hại:

Tại điều Điều 362 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Bên có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình.”

Tại điều 305 Luật thương mại 2005 quy định “Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.”

Theo đó, bên bị thiệt hại có nghĩa vụ áp dụng biện pháp phù hợp để ngăn chặn thiệt hại xảy ra. Tính phù hợp của biện pháp đó còn phụ thuộc vào năng lực, khả năng, thời điểm phát hiện thiệt hại, tính chất của thiệt hại hoặc tính chất của hành vi vi phạm hoặc tính chất của đối tượng của hợp đồng.

Do pháp luật có quy định nghĩa vụ chứng minh thiệt hại thuộc về bên bị thiệt hại. Vì vậy, quy định này cũng là phù hợp với yêu cầu về lập luận của người bị thiệt hại khi đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình.

  1. Các thiệt hại được bồi thường khi có hành vi vi phạm của một bên:

Tại điều 419 Bộ luật dân sự quy định:

“Điều 419. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng

      1. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này.
      2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.
      3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.”

Đối với các hợp đồng thương mại, tại điều 302 Luật thương mại 2005 quy định:

“Điều 302. Bồi thường thiệt hại

      1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.
      2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.”

Theo cá quy định trên, thì có thể khái quát thiệt hại được bồi thường sẽ bao gồm:  (i) tổn thất về tài sản; (ii) chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; (iii) thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; (iv) lợi ích đáng lẽ được hưởng do hợp đồng mang lại và (v) chi phí khác phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với lợi ích đáng lẽ được hưởng do hợp đồng mang lại.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_img

Bài viết được quan tâm