Thứ Tư, Tháng Năm 8, 2024
spot_img

Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty

I. Cơ sở pháp lý:

  • Luật Doanh nghiệp năm 2014
  • Nghị định số 96/2015/NĐ-CP

II. Luật sư tư vấn

Ngày nay, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, để tăng cường khả năng cạnh tranh, tiềm lực, sức ảnh hưởng,…các doanh nghiệp có xu hướng liên kết với nhau, tạo thành một nhóm công ty (hay còn gọi là tập đoàn kinh tế, tổng công ty) theo nguyên tắc “Riêng rẽ, mỗi chúng ta chỉ là một giọt nước. Cùng nhau, chúng ta là đại dương”. Từ ngày Luật Doanh nghiệp năm 2005 có hiệu lực, sau này là Luật Doanh nghiệp năm 2014, Việt Nam đã có quy định về nhóm công ty (tập đoàn kinh tế, tổng công ty); tuy nhiên, những quy định này còn mang tính chất chung chung, chưa thực sự đầy đủ, chi tiết để hình thành một khung pháp lý riêng cho các nhóm công ty.

  1. Khái niệm Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty
  • Theo quy định tại Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2014: Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác.
  • Trên thực tế, có thể hiểu rằng: Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty là một tập hợp hai hay nhiều công ty, được hình thành trên cơ sở tập hợp, liên kết thông qua đầu tư, góp vốn, sát nhập, mua lại, tổ chức lại hoặc các hình thức liên kết khác; tương tác và có mối quan hệ lâu dài về kinh tế, công nghệ, thị trường, loại trừ sự cạnh tranh lẫn nhau, cùng nhau hướng tới mục tiêu tăng cường tích tụ, tập trung vốn và tối đa hóa lợi nhuận.
  1. Đặc điểm của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty

a. Hình thức liên kết trong Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty:

  • Liên kết cứng (thực hiện thông qua mối quan hệ về vốn);
  • Liên kết mềm (thông qua các hợp đồng hợp tác, liên kết về khoa học kĩ thuật, công nghệ, sản xuất kinh doanh);
  • Thông thường, liên kết cứng có mức độ liên kết chặt chẽ hơn liên kết mềm và là liên kết có vai trò quyết định giữa các công ty trong nhóm. Liên kết cứng – trên cơ sở sở hữu vốn giữ giữa công ty mẹ – công ty con ngày càng giữ vai trò chủ đạo.

b. Các mô hình Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty

b.1  Theo cơ chế đầu tư vốn:

  • Đầu tư đơn cấp: công ty mẹ và công ty con đều chỉ đầu tư xuống một cấp trực tiếp;
  • Đầu tư đa cấp: các công ty, đặc biệt là công ty mẹ vừa đầu tư trực tiếp vào công ty con, đồng thời đầu tư trực tiếp vào các công ty cháu, chắt ở dưới mà không qua công ty trung gian nào;
  • Đầu tư hỗn hợp: phối hợp nhiều hình thức đầu tư.

b.2  Theo cơ chế liên kết kinh doanh:

  • Liên kết theo chiều dọc: là mô hình liên kết các công ty hoạt động trong cùng một chuỗi giá trị ngành (Ví dụ: các công ty cung ứng nguyên liệu, sản xuất, vận tải, tiếp thị…)
  • Liên kết theo chiều ngang: là sự kết hợp giữa các công ty có sản phẩm, dịch vụ liên quan với nhau và có thể sử dụng cùng một hệ thống phân phối để gia tăng hiệu quả (ví dụ: công ty sản xuất máy ảnh với công ty sản xuất ống kính máy ảnh)
  • Liên kết hỗn hợp (kết hợp theo chiều dọc và chiều ngang)

b.3  Theo cơ chế quản lí:

  • Mô hình tập trung: quyền lực được tập trung ở cơ quan đầu nào, thường là công ty mẹ;
  • Mô hình phân tán: công ty mẹ chỉ đưa ra định hướng và kiểm soát định hướng (kiểm soát chiến lược, các chính sách lớn về tài chính, nhân sự, đầu tư…), giao quyền tự chủ hoạt động cho các công ty con;
  • Mô hình hỗn hợp (kết hợp mô hình phân tán và mô hình tập trung): công ty mẹ vừa giao quyền tự chủ cho các công ty con, vừa thâu tóm quyền lực ở một số lĩnh vực trọng yếu.

c. Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty không có tư cách pháp nhân

  • Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp cụ thể, mà được hình thành dựa trên liên kết giữa các công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác. Các công ty này có thể thuộc một trong các loại hình doanh nghiệp được pháp luật công nhận như: Công ty Cổ phần, Công ty TNHH, Công ty Hợp danh. Bản thân các công ty này có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty vốn là liên kết nhóm, không có tư cách pháp nhân và không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

d. Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty là tập hợp các công ty, trong đó các công ty thành viên là các pháp nhân độc lập trong quan hệ với bên thứ ba và không đại diện cho tập đoàn.

e. Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty không có tài sản riêng

  • Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty hình thành từ sự liên kết, không xuất phát từ quá trình góp vốn chung, vì vậy tập đoàn kinh tế, tổng công ty không nhận sự chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn từ các công ty thành viên nên không có tài sản chung. Các công ty thành viên thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính để duy trì hoạt động của bộ máy quản trị nhằm thực hiện các trách nhiệm cần thiết cho hoạt động của nhóm.

f. Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty có phạm vi hoạt động lớn trong một hoặc nhiều quốc gia; có quy mô lớn về nguồn vốn, nhân lực, doanh số hoạt động; hoạt động đa ngành ngề, đa lĩnh vực

  • Ví dụ: Tập đoàn Vingroup với giá trị vốn hóa thị trường đạt gần 16 tỷ đô la Mỹ; doanh thu năm 2019 đạt 130.790 tỷ đồng; hoạt động trong 03 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, bao gồm: Công nghệ (Vintech); Công nghiệp ( Sản xuất ô tô: Vinfast; Sản xuất các sản phẩm điện thông minh-gia dụng: Vinsmart,…); Thương mại và Dịch vụ (Bất động sản: Vinhomes, Du lịch – Nghỉ dưỡng: Vinpearl, Giáo dục: Vinschool, Y tế: Vinmec, Bán lẻ: Vincom, Vinmart).

g. Có hình thức sở hữu hỗn hợp, trong đó có một chủ thể đóng vai trò chi phối

  • Vốn trong Tập đoàn, Tổng công ty do các công ty thành viên làm chủ sở hữu, bao gồm cả vốn nhà nước và vốn tư nhân. Trong đó chủ thể đóng vai trò chi phối về nguồn vốn là công ty mẹ.

h. Cơ cấu tổ chức phức tạp

3. Quy định về công ty mẹ, công ty con trong Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty

a. Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
  • Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
  • Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.

b. Quyền và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con:

  • Công ty mẹ, công ty con và mỗi công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập theo quy định của pháp luật.
  • Tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật doanh nghiệp 2014 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
  • Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập.
  •  Trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì:
    • Công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó.
    • Người quản lý của Công ty mẹ liên đới với Công ty mẹ chịu trách nhiệm về các thiệt hại với Công ty con.
    • Trường hợp giao dịch này đem lại lợi ích cho công ty con khác của cùng một công ty mẹ thì công ty con được hưởng lợi đó phải liên đới cùng công ty mẹ hoàn trả khoản lợi được hưởng đó cho công ty con bị thiệt hại.
  • Các hợp đồng giao dịch giữa Công ty con với người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ phải được Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị chấp thuận trước khi ký kết, thực hiện.
  1. Vấn đề sở hữu chéo trong tập đoàn kinh tế:

a. Theo quy định Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 96/2015/NĐ-CP thì sở hữu chéo là việc đồng thời hai doanh nghiệp có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau.

b. Theo quy định tại Điều 189 Luật Doanh nghiệp thì vấn đề sở hữu chéo được hạn chế như sau:

  • Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ
  • Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau (là việc đồng thời hai doanh nghiệp có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau)
  • Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, bao gồm:
    • Góp vốn, mua cổ phn để thành lập doanh nghiệp mới, mua phần vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp đã thành lập;
    • Cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp là trường hợp tổng số cổ phần, phần vốn góp của các công ty này sở hữu bằng hoặc lớn hơn 51% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty có liên quan.
  • Các công ty không có cổ phần, phần vốn góp nhà nước nắm giữ đã thực hiện góp vốn, mua cổ phần trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 có quyền mua bán, chuyển nhượng, tăng, giảm phần vốn góp, số cổ phần nhưng không được làm tăng tỷ lệ sở hữu chéo hiện có.

________________

Tư vấn Luật sư vui lòng liên hệ:

Công ty Luật CMA

Hotline: 0986.057.998 – 0944.296.698

Email: CongtyluatCMA@gmail.com

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_img

Bài viết được quan tâm