Thứ tư, Tháng chín 11, 2024
spot_img
Trang chủLuật sư Tư vấnLuật sư tư vấn Dân sựChồng bán cổ phần có cần sự đồng ý của vợ

Chồng bán cổ phần có cần sự đồng ý của vợ

Hotline: 0986.057.998 hoặc 0944.296.698

Căn cứ pháp lí

  • Luật doanh nghiệp 2020
  • Luật Hôn nhân và gia đình 2014
  • Bộ luật dân sự 2015

Nội dung tư vấn:
1. Cổ phần là gì? Cổ phần có phải là tài sản? 

Theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 110 Luật doanh nghiệp 2020 thì “a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần”.

Theo quy định tại khoản 34 điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 thì “34. Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.”

Theo đó, trước thời điểm 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và sau 90 ngày mà cổ đông đã góp đủ vốn thì CỔ PHẦN LÀ TÀI SẢN của cổ đông tại Công ty cổ phần. Số lượng cổ phần cổ đông sở hữu được thể hiện trên các tài liệu dưới dạng sổ sách hoặc bút toán gọi là cổ phiếu.

2. Chồng/vợ bán cổ phần có cần sự đồng ý của vợ/chồng không?

Cổ phần là tài sản, vậy khi định đoạt tài sản này ngoài các quy định của pháp luật chuyên ngành (Luật doanh nghiệp) về điều kiện, trình tự, thủ tục mua bán thì cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan. Trong trường hợp này, cần chiếu theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình; Bộ luật dân sự.

Căn cứ Luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự thì chia ra hai trường hợp như sau:

Trường hợp thứ nhất: Cổ phần đó là tài sản riêng của vợ/chồng muốn bán.

Theo quy định tại điều 43 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, thì tài sản riêng được định nghĩa, liệt kê như sau:

Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

Theo quy định tại điều 44 Luật hôn nhân và gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng được quy định như sau:

Điều 44. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng

1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.

3. Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.

4. Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.”

Như vậy, theo tinh thần chung của điều luật thì tài sản riêng là vợ chồng có thể toàn quyền định đoạt. Tuy nhiên, có hạn chế đối với các tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình. Vậy, hoa lợi, lợi tức được hiểu như thế nào?

Căn cứ điều 109 Bộ luật dân sự 2015 thì:

“Điều 109. Hoa lợi, lợi tức

1. Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại.

2. Lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản.”

Như vậy, trong trường hợp các lợi tức của cổ phần là nguồn sống duy nhất của gia đình, thì mặc dù cổ phần đó là tài sản riêng khi người vợ/chồng bán vẫn phải được sự đồng ý của chồng/vợ.

Trường hợp thứ hai: Cổ phần là tài sản chung của vợ chồng

Theo quy định tại điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
…” 

Điều 35. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung

1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.”

Theo các quy định trên, thì việc bán cổ phần là tài sản chung của vợ/chồng phải được sự đồng ý của chồng/vợ.

Tuy nhiên, Theo quy định tại điều 36 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:

Điều 36. Tài sản chung được đưa vào kinh doanh

Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản.”

Như vậy, có ngoại lệ là trong trường hợp trước khi đưa tài sản chung vào kinh doanh (góp vốn, mua cổ phần) mà vợ/chồng đã có thoả thuận về việc sau này bán số cổ phần này không cần sự đồng ý của chồng/vợ thì người này có thể tự bán số cổ phần này mà không cần phải có văn bản chấp thuận lại của chồng/vợ.

3. Trường hợp vợ/chồng đã tự bán cổ phần mà không được sự đồng ý của chồng/vợ thì xử lý thế nào?

Theo quy định chung thì trường hợp vi phạm các điều kiện về chủ thể trong giao dịch mua bán là một trong các điều kiện dẫn tới giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật.

Thực tiễn các giao dịch mua bán cổ phần hiện tại chỉ là một trong các bên vợ/chồng tự thực hiện mà không có sự đồng ý của bên còn lại. Trong các trường hợp này thường tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bên mua, đặc biệt trong trường hợp vợ/chồng cố ý tẩu tán tài sản trước khi ly hôn.

Do đó, đối với các giao dịch mua bán cổ phần có giá trị lớn, người mua nên có sự tư vấn, chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá các rủi ro trước khi có quyết định mua bán.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_img

Bài viết được quan tâm