Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
spot_img
Trang chủLuật sư Tư vấnLuật sư tư vấn Thừa KếXử lý di sản thờ cúng khi người quản lý di sản...

Xử lý di sản thờ cúng khi người quản lý di sản thờ cúng chết

Công ty Luật CMA - Hotline: 0986.057.998 - 0944.296.698

Trường hợp người được giao quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng chết thì các con của người quản lý di sản có quyền hưởng thừa kế với phần di sản này không? hay di sản thờ cúng sẽ được xử lý như thế nào?

1. Di sản dùng vào việc thờ cúng

Di sản dùng vào việc thờ cúng là chế định lâu đời, được ghi nhận trong pháp luật dân sự từ thời kỳ phong kiến đến nay, thể hiện một trong những phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Pháp luật dân sự hiện hành quy định di sản dùng vào việc thờ cúng tại Điều 645 BLDS 2015:

  “Điều 645. Di sản dùng vào việc thờ cúng

1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những        người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.”

Thứ nhất, chỉ định di sản dùng vào việc thờ cúng:

Theo quy định trên, người có di sản có thể định đoạt một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình để dùng vào việc thờ cúng. Như vậy, căn cứ pháp lý để hình thành nên di sản thờ cúng là DI CHÚC. Trường hợp không có di chúc mà những người thừa kế theo pháp luật thoả thuận dùng một phần di sản vào việc thờ cúng thì đó là thoả thuận hình thành tài sản chung hoặc tài sản riêng của người đứng đại diện hoặc tất cả những người thừa kế đứng đại diện mà không được điều chỉnh bởi điều 645 Bộ luật dân sự 2015.

Thứ hai, loại tài sản dùng vào việc thờ cúng: 

Pháp luật hiện tại không quy định cụ thể loại tài sản nào có thể hoặc không thể dùng vào việc thờ cúng. Dùng vào việc thờ cúng phải được hiểu theo nghĩa rộng có thể là khai thác công dụng trực tiếp hoặc khai thác công dụng gián tiếp. Khai thác công dụng trực tiếp ví dụ như sử dụng một phần hoặc toàn bộ một thửa đất hoặc căn nhà dùng vào việc thờ cúng. Khai thác công dụng gián tiếp có thể hiểu là dùng những lợi ích có được từ việc sử dụng nó phục vụ cho hoạt động thờ cúng mà không phải là trực tiêp tài sản, ví dụ: Người để lại di chúc chỉ định toàn bộ lợi tức có được từ việc sở hữu cổ phần của một công ty sẽ dùng vào việc lo các đám giỗ, cúng, lễ hoặc sửa chữa nơi thờ tự …..

Quyền định đoạt của người lập di chúc định đoạt tài sản dùng vào việc thờ cúng chỉ bị hạn chế trong hai trường hợp:

Thứ nhất, nếu sự định đoạt đó vi phạm quyền thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc gồm: Cha, mẹ, con chưa thành niên, vợ/chồng hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động. Nếu người lập di chúc định đoạt phần lớn hoặc toàn bộ di sản dùng vào việc thờ cúng dẫn đến những người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc được chia trong phần di sản còn lại thấp hơn 2/3 một suất theo luật thì phần định đoạt vi phạm này không được áp dụng, trừ trường hợp họ từ chối nhận di sản thừa kế hoặc không được quyền hưởng di sản thừa kế theo điều 621 Bộ luật dân sự.

Thứ hai, quyền của người lập di chúc định đoạt di sản dùng vào việc thờ cúng bị hạn chế trong trường hợp toàn bộ tài sản của người đó để lại không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

2. Trách nhiệm của người được chỉ định thờ cúng

Người được chỉ định quản lý, sử dụng di sản vào việc thờ cúng có trách nhiệm thực hiện đúng các nội dung được người lập di chúc yêu cầu. Trên thực tế, thì không phải ai cũng nghĩ tới hoặc nghĩ chi tiết được các ngày cúng, tế, lễ, bái, giỗ chạp đầy đủ trong một năm để đưa hết vào trong nội dung di chúc. Vậy, được hiểu thế nào là người được chỉ định thờ cúng đã thực hiện đúng nội dung di chúc hoặc đã không đúng nội dung di chúc?

Pháp luật hiện tại không quy định cụ thể về việc thờ cúng như thế nào là đúng hoặc phù hợp. Việc thờ cúng xuất phát từ truyền thống, văn hoá của từng khu vực, vùng miền, văn hoá, tôn giáo khác nhau, thậm chí là tư tưởng, trình độ của từng gia đình khác nhau sẽ có khác nhau. Do đó, pháp luật không thể quy định rõ trong trường hợp này.

Trường hợp, một trong những người thừa kế hoặc liên quan đến việc thừa kế theo pháp luật có căn cứ cho rằng người được chỉ định đã không thực hiện đúng nội dung di chúc, việc sử dụng di sản thờ cúng đã không được thực hiện đúng mục đích thì có nghĩa vụ chứng minh thông qua các chứng cứ cụ thể hoặc nhân chứng cụ thể. Những người thừa kế theo pháp luật có thể thoả thuận thay đổi người quản lý di sản thờ cúng. Đây cũng là nguyên tắc tôn trọng sự thoả thuận của các bên trong giao dịch dân sự. Trường hợp không thể tự thoả thuận có thể khởi kiện tại toà án để chỉ định người quản lý di sản thờ cúng.

Nguyên tắc chung về mặt pháp luật và đạo đức thì người được chỉ định quản lý di sản thờ cúng đây là nghĩa vụ, trách nhiệm nhiều hơn quyền, lợi ích. Vì đã xét đến vấn đề thờ cúng là góc độ tâm linh, phải được thực hiện với một lòng thành kính, tận tuỵ. Trong khi đó, sự thoả mãn trong việc thờ cúng khó có thước đo chung làm căn cứ. Vì vậy, áp lực sẽ là rất lớn đối với người chỉ định. Theo đó, quan điểm của tác giả thì việc quản lý, sử dụng di sản vào việc thờ cúng là trách nhiệm, nghĩa vụ nhiều hơn là quyền.

3. Xử lý di sản dùng vào việc thờ cúng

Theo quy định tại điều 645 Bộ luật dân sự nêu trên thì “Trong trường hợp tất cả người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật”.

Bản chất, mục đích của việc di chúc định đoạt di sản dùng vào việc thờ cúng là thể hiện ý nguyện muôn đời của người chết với một phần tài sản của mình, mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, đoàn kết con cháu, hiếu báo tổ tiên cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói riêng, văn hoá Á Đông nói chung. Mục đích này chỉ có thể đạt được nếu có sự đồng lòng của các thế hệ sau, trường hợp không có sự đồng lòng thì mục đích, ý nghĩa của di chúc tài sản dùng vào việc thờ cúng khó có thể đạt được. Vì vậy, pháp luật cũng quy định di sản thờ cúng cũng không trường tồn. Việc trường tồn hay không phải phụ thuộc vào ý chí của người lập di chúc. Ví dụ, nội dung di chúc định đoạt: Người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng là ông A, trường hợp ông A chết thì sẽ do người con trai thứ nhất ông A…và theo nguyên tắc đó thì có thể đảm bảo việc sử dụng di sản dùng vào việc thờ cúng trong khoảng thời gian tương đối dài, có tính đến nhiều đời.

Căn cứ theo quy định nói trên, thì trường hợp người thừa kế theo di chúc chết thì di sản thờ cúng sẽ không còn là di sản thờ cúng mà trở thành tài sản của người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Đây là một quy định chưa thật sự rõ ràng. Bởi lẽ khi người thừa kế theo di chúc chết, tuy nhiên (1) Trường hợp thời hiệu chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản đó chưa hết thì sẽ giải quyết ra sao? (2) Trường hợp, người thừa kế theo di chúc là người ngoài diện thừa kế theo pháp luật (người ngoài) không có người thừa kế theo pháp luật đang quản lý di sản thì giải quyết thế nào khi thời hiệu chia thừa kế còn? (3) Trường hợp người thừa kế theo di chúc chết nhưng thời hiệu thừa kế còn mà di sản đó được quy chủ sở hữu về người đang quản lý là không phù hợp, mâu thuẫn với các điều luật khác? Trường hợp này, theo quan điểm của tác giả cần phải được xử lý như sau:

Trường hợp thứ nhất: Người thừa kế theo di chúc là người không thuộc diện thừa kế theo pháp luật (người ngoài). Trong trường hợp này, người được chỉ định dùng di sản vào việc thờ cúng như một người quản lý di sản. Khi người này chết, tức là nội dung di chúc không thể tiếp tục thực hiện được và thời hiệu chia thừa kế theo pháp luật còn thời hiệu (10 năm với động sản, 30 năm với bất động sản), thì di sản thừa kế cần phải trả lại cho những người thừa kế theo pháp luật của người để lại di chúc để họ tự định đoạt. Việc định đoạt có thể là (i) Tiếp tục cử một người thờ cúng; hoặc (ii) Định đoạt di sản thờ cúng đó.

Trường hợp thứ hai: Người thừa kế theo di chúc chết, thời hiệu chia di sản thừa kế hết (10 năm với động sản, 30 năm với bất động sản) trong trường hợp này, di chúc không thể tiếp tục thực hiện được do người được chỉ định trong di chúc đã chết, vì vậy di sản thừa kế sẽ thuộc về người đang trực tiếp quản lý di sản thừa kế, trường hợp không có người đang quản lý thì thuộc về nhà nước phù hợp với quy định tại điều 623 bộ luật dân sự 2015.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_img

Bài viết được quan tâm