Thứ tư, Tháng mười một 20, 2024
spot_img
Trang chủLuật sư Tư vấnLuật sư tư vấn Thừa KếThừa kế giữa con riêng và cha dượng mẹ kế

Thừa kế giữa con riêng và cha dượng mẹ kế

Công ty Luật CMA - Hotline: 0986.057.998 - 0944.296.698

Con riêng là con của một bên vợ hoặc chồng với người khác. Tức là trước khi người vợ hoặc người chồng kết hôn, họ đã có con với người khác, hoặc cũng có trường hợp con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng là do người vợ đã có thai trước đó với người khác hoặc do Tòa án xác định người chồng là cha của con do người phụ nữ khác sinh ra.

Con riêng có được thừa kế di sản của cha dượng, mẹ kế hoặc ngược lại cha dượng, mẹ kế có được thừa kế di sản của con riêng của vợ, chồng không ? Trong trường hợp nào thì được thừa kế? Pháp luật quy định cụ thể các điều kiện thừa kế này là gì? Mức hưởng là bao nhiêu? …

  1. Căn cứ pháp lý
  • Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Bộ luật Dân sự năm 2015.
  • Nghị định 62/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Cư trú
  1. Quyền hưởng di sản thừa kế giữa con riêng với bố/cha dượng, mẹ kế.

Theo quy định của Bộ luật dân sự thì thừa kế có thể theo di chúc hoặc theo pháp luật quy định trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp.

– Thừa kế di sản theo di chúc:

Đối với thừa kế theo di chúc, theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

Theo đó, cha dượng, mẹ kế hoặc con riêng có quyền chỉ định con riêng hoặc cha dượng, mẹ kế (trường hợp con riêng là người lập di chúc) là người thừa kế và được hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản theo ý chí của họ và được thể hiện trong nội dung của di chúc.

– Thừa kế theo pháp luật:

Trong trường hợp người để lại di sản không lập di chúc hoặc lập nhưng di chúc bị vô hiệu thì quyền thừa kế của con riêng với di sản của cha dượng mẹ kế hoặc giữa cha dượng mẹ kế với di sản của con riêng được định đoạt theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 654 thì: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này”.

Quan hệ chăm sóc, phụng dưỡng giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế không được Bộ luật dân sự quy định cụ thể. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 79 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về quyền và nghĩa vụ của cha dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc chồng thì:

“1. Cha dượng, mẹ kế có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng của bên kia cùng sống chung với mình theo quy định tại các điều 69, 71 và 72 của Luật này.

  1. Con riêng có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha dượng, mẹ kế cùng sống chung với mình theo quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Luật này.”

Như vậy, pháp luật không hạn chế quyền thừa kế của con riêng đối với di sản của cha dượng, mẹ kế mà pháp luật đặt ra điều kiện là con riêng với cha dượng, mẹ kế nếu cùng sống chung, có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì người con riêng đó vẫn được hưởng thừa kế theo pháp luật của nhau (ở hàng thừa kế thứ nhất) và con của người con riêng đó còn được thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 trong trường hợp người con riêng đó chết trước cha dượng, mẹ kế. Và ngược lại nếu mối quan hệ giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế không có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng thì đương nhiên con riêng không được hưởng thừa kế của bố dương, mẹ kế.

Pháp luật hiện hành không có quy định, giải thích cụ thể về việc quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, sống chung giữa cha dượng, mẹ kế với con riêng bao lâu thì con riêng được hưởng di sản thừa kế của cha dượng, mẹ kế; mà chỉ ràng buộc quyền và nghĩa vụ chăm sóc, trông nom, nuôi dưỡng của cha dượng, mẹ kế với con riêng và ngược lại. Vì vậy, có thể hiểu rằng, khi có bằng chứng chứng minh được con riêng, cha dượng, mẹ kế có thời gian cùng sống chung với nhau, thì có căn cứ cho rằng giữa họ tồn tại việc chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha, mẹ con. Từ đó, kết luận được con riêng có quyền hưởng di sản thừa kế từ cha dượng, mẹ kế và ngược lại (trừ các trường hợp con riêng, cha dượng, mẹ kế bị truất quyền thừa kế, tước quyền thừa kế, từ chối nhận di sản thừa kế).

Bằng chứng, chứng minh giữa cha dượng, mẹ kế, con riêng đã từng cùng sống chung, có thể dựa vào các một trong các loại giấy tờ chứng minh họ đã cùng sống chung theo luật Cư trú như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, căn cước công dân, … hoặc giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp của họ căn cứ theo quy định tại điều 5 Nghị định 62/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Cư trú như giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp; quyết định giao đất ở cho hộ gia đình; v.v…

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_img

Bài viết được quan tâm