Sai thải là hình thức xử lý kỷ luật lao động nghiêm khắc nhất mà người sử dụng lao động áp dụng cho người lao động. Để bảo vệ những quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động (bên yếu thế) trong quan hệ lao động, Bộ luật lao động đã có những quy định những hành vi cụ thể để người sử dụng lao động làm căn cứ áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải trong đó có hành vi: Tự ý nghỉ việc mà không có lý do chính đáng và hành vi đó phải đạt tới một mức độ vi phạm nhất định.
Thứ nhất về hành vi:
Tự ý nghỉ việc mà không có lý do chính đáng. Theo đó để xác định hành vi vi phạm này có 02 phần:
- Tự ý bỏ nghỉ việc: Ý chí chủ quan của người lao động nghỉ việc mà không xin phép hoặc có xin phép nhưng không có sự đồng ý, chấp thuận của người sử dụng lao động hoặc người được giao trách nhiệm => Nghỉ việc mà không có sự chấp thuận của người sử dụng lao động.
- Không có lý do chính đáng:
Tại đoạn 2 khoản 3 điều 126 Bộ luật lao động quy định “Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: Thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động”
Như vậy, được coi là chính đáng khi nguyên nhân xuất phát từ yếu tố khách quan như thiên tai, hỏa hoạn, “thân nhân” ốm đau hoặc bản thân ốm đau hoặc nội quy lao động.
Yếu tố thiên tai, hỏa hoạn, bản thân hoặc nội quy lao động thì rất rõ, tuy nhiên “Thân nhân” lại là một quy định rất chung chung, thân nhân gồm những ai?
Để giải quyết vấn đề này, nghị định số 05/2015 đã có quy định phạm vi “Thân nhân” ốm đau để làm cơ sở xác định lý do chính đáng hay không chính đáng, cụ thể:
Khoản 2 điều 31 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP:
“2. Người lao động nghỉ việc có lý do chính đáng trong các trường hợp sau:
a) Do thiên tai, hỏa hoạn;
b) Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;
c) Các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.”
Tại Điều 13 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH:
“Người lao động nghỉ việc có lý do chính đáng quy định tại Khoản 2 Điều 31 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Do thiên tai, hỏa hoạn mà người lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể có mặt để làm việc;
2. Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp, đứa trẻ mà người lao động mang thai hộ đang nuôi theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật”.
Thứ hai, về mức độ vi phạm
Theo quy định tại khoản 3 điều 126 Bộ luật lao động quy định:
“3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng …”
Khái niệm 01 tháng và 01 năm trong trường hợp này cần phải được làm rõ. Thế nào được gọi là 01 tháng và thế nào được gọi là 01 năm.
Quy định này dẫn tới hai cách hiểu, áp dụng khác nhau trên thực tế:
Cách hiểu 1, 01 tháng, 01 năm là tháng, năm theo cách gọi (Ví dụ 01 năm có 12 tháng từ tháng 01 đến tháng 12), 01 năm là trong năm 2018 hoặc 2019 hoặc 2020.
Tình huống 01:
Trong 30 ngày từ ngày 15/01 đến ngày 14/02/2019 người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày (trong đó 03 ngày trong tháng 01 (từ ngày 15/01 đến 31/01/2018) và 02 ngày trong tháng 02 (từ ngày 01/02 đến 14/02); hoặc
Trong thời hạn từ ngày 01/06/2018 đến 31/05/2019 của người lao động tự ý bỏ việc 20 ngày (trong đó 19 ngày trong thời gian từ 01/06/2018 đến 31/12/2018, 01 ngày trong thời gian từ 01/01/2019 đến 31/05/2019).
=> thì người sử dụng lao động không thể áp dụng hình thức kỷ luật sa thải.
Cách hiểu 2, 01 tháng là 30 ngày, 01 năm là 365 ngày.
Nếu theo cách hiểu thứ 2 này, thì Tình huống 01 nói trên đây người sử dụng lao động được áp dụng hình thức kỷ luật sa thải. Thậm chí nếu người lao động tự ý nghỉ việc vào 01 ngày vào ngày 31/01, 03 ngày vào khoảng thời gian từ 01/02 đến 28/02 (tháng không có 29 ngày) và 01 ngày vào ngày 01/03 thì vẫn bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải. Theo cách hiểu này thì cộng dồn trong trường hợp này không chỉ là 01 tháng mà là 03 tháng.
Cách hiểu này sẽ tốt hơn nhằm hạn chế tối đa ý thức kém trong làm việc và bảo đảm sản xuất của người sử dụng lao động.
Câu hỏi đặt ra là phải hiểu theo cách nào? Bộ luật lao động không có quy định rõ về khái niệm này. Vậy trong trường hợp này phải áp dụng quy định của Bộ luật dân sự để hiểu, giải thích, áp dụng.
Tại khoản 1 điều 146 Bộ luật lao động quy định:
“Điều 146. Quy định về thời hạn, thời điểm tính thời hạn
1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính như sau:
a) Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày;
b) Nửa năm là sáu tháng;
c) Một tháng là ba mươi ngày;
d) Nửa tháng là mười lăm ngày;
đ) Một tuần là bảy ngày;
e) Một ngày là hai mươi tư giờ;
g) Một giờ là sáu mươi phút;
h) Một phút là sáu mươi giây.
Và Cách hiểu 2 đã được cụ thể hóa tại khoản 1 điều 31 nghị định số 05/2015/ND-CP hướng dẫn áp dụng Bộ luật lao động một cách rõ ràng, cụ thể:
“Điều 31. Kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc
1. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc hoặc 20 ngày làm việc cộng đồn trong phạm vi 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.”
Tuy nhiên, Khi nghị định số 05/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định số 148/2018/NĐ-CP điều 31 được sửa lại cụ thể:
“1. Người sử dụng lao động áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải trong trường hợp người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng quy định tại Khoản 3 Điều 126 của Bộ luật lao động như sau:
a) 05 ngày làm việc cộng dồn trong khoảng thời gian tối đa 01 tháng (30 ngày), kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc;
b) 20 ngày làm việc cộng dồn trong khoảng thời gian tối đa 01 năm (365 ngày), kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc.”
Cách sửa đổi để số lượng ngày trong () như “1 tháng (30 ngày), kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc” và “01 năm (365 ngày), kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc.” làm khó trong áp dụng => thà không sửa sẽ tốt hơn.