Cổ đông/nhóm cổ đông yếu thế được hiểu là những cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít cổ phần hơn so với các cổ đông, nhóm cổ đông khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Câu chuyện thâu tóm thù địch khi đối tác dùng tiềm lực tài chính pha loãng quyền sở hữu vốn của cổ đông hiện hữu trong doanh nghiệp hoặc tạo kết nối “khống chế” các chức danh chủ chốt, âm thầm thôn tính doanh nghiệp thường nằm ngoài sự kiểm soát của bên bị thâu tóm. Và cổ đông/nhóm cổ đông yếu thế trong doanh nghiệp thường là người dễ bị thiệt thòi nhất vì bị đặt ngoài “cuộc chơi”. Vậy, quyền lợi của cổ đông/nhóm cổ đông yếu thế được bảo vệ như thế nào? Sau đây chúng tôi tư vấn quyền của cổ đông/nhóm cổ đông yếu thế trong công ty cổ phần như sau:
Thứ nhất, cổ đông/nhóm cổ đông yếu thế trong công ty cổ phần có một số quyền chung quy định tại Khoản 1 Điều 114/ Luật Doanh nghiệp 2014 và được quy định rải rác tại các điều 149, 159, 129 và 139 trong Luật Doanh nghiệp 2014.
Thứ hai, Luật Doanh nghiệp 2014 còn quy định một số quyền riêng để bảo vệ cho cổ đông/nhóm cổ đông yếu thế trong công ty cổ phần như sau:
- Với tỷ lệ sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên liên tục ít nhất trong 6 tháng, thì cổ đông/nhóm cổ đông yếu thế có quyền sau:
- Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát;
- Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát;
- Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp:
+ Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao;
+ Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị đã vượt quá 06 tháng mà Hội đồng quản trị mới chưa được bầu thay thế;
+ Trường hợp khác theo quy định của Điều lệ công ty.
Lưu ý: Khi có yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy pháp luật, Ban kiểm soát thực hiện kiểm tra trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Ban kiểm soát phải báo cáo giải trình về những vấn đề được yêu cầu kiểm tra đến Hội đồng quản trị và cổ đông hoặc nhóm cổ đông có yêu cầu.
- Có quyền đại diện công ty triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp Hội đồng quản trị , Ban kiểm soát không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông.
Kèm theo quyền triệu tập họp Đại họi đồng cổ đông thì Cổ đông/ nhóm cổ đông còn có quyền:
+ Yêu cầu tất cả người dự họp chịu sự kiểm tra hoặc các biện pháp an ninh hợp pháp, hợp lý khác;
+ Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền duy trì trật tự cuộc họp; trục xuất những người không tuân thủ quyền điều hành của chủ tọa, cố ý gây rối trật tự, ngăn cản tiến triển bình thường của cuộc họp hoặc không tuân thủ các yêu cầu về kiểm tra an ninh ra khỏi cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.
- Yêu cầu bằng văn bản đến Ban kiểm soát về việc kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết.
- Có quyền kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp Đại hội đồng cổ đông.
- Với tỷ lệ ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng sở hữu, cổ đông/nhóm cổ đông yếu thế có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc khi có căn cứ theo Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2014.
- Với tỷ lệ sở hữu vốn trên 35% cổ phần, cổ đông/ nhóm cổ đông yếu thế có quyền phủ quyết đối với các quyết định đặc biệt quan trọng của công ty như giải thể công ty hay đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, hoặc một tỷ lệ, giá trị khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định.
- Với tỷ lệ sở hữu vốn trên 49% cổ phần, cổ đông/ nhóm cổ đông yếu thế có quyền phủ quyết đối với các quyết định quan trọng của công ty như thông qua kế hoạch kinh doanh hàng năm hay việc chia cổ tức.
Trên đây là bài viết mang tính chất tham khảo giúp các cổ đông của công ty cổ phần nhìn một cách tổng thể và hiểu rõ các quyền lợi của mình trong công ty.
Trân trọng!