Căn cứ pháp lý: Bộ luật lao động năm 2012.
Vấn đề Vi rút Corona là nỗi lo và vấn đề chung của toàn xã hội. Vậy, trong trường hợp nghỉ việc của người lao động có liên quan tới vi rút Corona thì cần xử lý như thế nào?
Việc nghỉ việc của người lao động liên quan tới vi rút Corona cần chia ra ba trường hợp cụ thể như sau:
- Thứ nhất: Người lao động được người sử dụng lao động đồng ý cho nghỉ việc để phòng, tránh dịch trong một khoảng thời gian nhất định
Trong trường hợp này, việc nghỉ việc của người lao động là được sự đồng ý của người sử dụng lao động. Do đó, người lao động được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp kèm theo lương (nếu có) cho những ngày nghỉ.
- Thứ hai: Người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau về thời hạn nghỉ việc để phòng, tránh dịch trong một khoảng thời gian nhất định
Theo quy định tại khoản 3 điều 98 Bộ luật lao động năm 2012 thì:
Điều 98. Tiền lương ngừng việc
Trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
…………
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Theo quy định trên, thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về việc nghỉ để phòng tránh dịch, mức lương của những ngày ngừng việc theo thỏa thuận trên cơ sở không thấp hơn mức lương cơ bản quy định theo vùng.
- Thứ ba: Người lao động vì lo lắng vấn đề vi rút Corona mà tự nghỉ việc không thuộc hai trường hợp nêu trên
Tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có người Trung Quốc, doanh nghiệp có người lao động đến từ vùng dịch, người lao động thường có tâm lý hoang mang, lo lắng về tình trạng an toàn với vi rút Corona. Vì vậy, tại những doanh nghiệp này không ít người lao động tự ý nghỉ việc vì cho rằng đi làm sẽ không an toàn.
Nếu việc nghỉ việc của người lao động nói trên do doanh nghiệp đang có người bị mắc vi rút Corona hoặc đến từ vùng dịch tham gia làm việc mà không được kiểm tra, có dấu hiệu dịch bệnh mà doanh nghiệp không thực hiện các biện pháp cách ly, giải quyết theo thông báo, hướng dẫn của cơ quan chức năng thì người lao động có quyền từ chối vào làm việc tại các khu vực có nguy hiểm. Trong trường hợp này, người lao động được hưởng lương bình thường.
Trường hợp người lao động nghỉ việc vì lo lắng, tuy nhiên không có căn cứ hoặc dựa trên các thông tin đồn thổi không có cơ sở hoặc doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn của cơ quan chức năng liên quan tới vi rút corona, cách ly những người có biểu hiện hoặc nghi ngờ hoặc đến từ vùng dịch. Trong trường hợp này, việc nghỉ việc của người lao động được coi là tự ý nghỉ việc không có lý do chính đáng. Việc nghỉ việc này người lao động sẽ không được hưởng lương, những ngày nghỉ việc này được coi là nghỉ việc không có lý do chính đáng làm cơ sở xem xét việc chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động tự ý nghỉ việc quá 05 ngày/tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm.
(Bài viết ý kiến pháp lý của CMA)
______________________
Công ty Luật CMA
Địa chỉ: 135 Lê Thánh Tông, Ngô Quyền, Hải Phòng
Tổng đài tư vấn miễn phí: 0986.057.998