Thứ tư, Tháng chín 11, 2024
spot_img
Trang chủLuật sư Tư vấnLuật sư tư vấn Hôn nhân gia đìnhLy hôn khi vợ đang mang thai, sinh con, nuôi con dưới...

Ly hôn khi vợ đang mang thai, sinh con, nuôi con dưới 12 tháng tuổi

Ly hôn là quyền nhân thân, tuy nhiên, trong một số trường hợp, quyền ly hôn của người chồng sẽ bị hạn chế, mục đích của việc hạn chế là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.

Khoản 3 điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định:

“3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Theo quy định trên, thì người chồng sẽ không có quyền ly hôn đơn phương trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, vợ đang mang thai.

Theo quy định và áp dụng thống nhất thì người chồng sẽ không có quyền ly hôn đơn phương khi vợ đang mang thai. Điều luật cũng không quy định rõ là quyền này sẽ bị hạn chế khi người vợ mang thai có phải là thai của người chồng hay không? Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, quy định rõ về trường hợp mang thai hộ. Vậy, trong trường hợp người vợ mang thai hộ người khác thì người chồng có quyền đơn phương ly hôn không? Vấn đề này, đến nay chưa được làm rõ trong các quy định của luật hôn nhân và gia đình năm 2014, cũng như là các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, căn cứ theo mục đích, ý nghĩa của điều luật thì trường hợp này người chồng cũng sẽ không có quyền đơn phương ly hôn.

Thứ hai, Vợ sinh con.

So với Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, thì có một điểm mới là chồng sẽ không được quyền yêu cầu ly hôn (ly hôn đơn phương) trong trường hợp vợ sinh con. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có hướng dẫn cụ thể về cách hiểu thế nào là giai đoạn “sinh con” của người vợ làm phát sinh hạn chế quyền ly hôn của người chồng. Khái niệm sinh con trong trường hợp này không thể hiểu là trong giai đoạn người vợ sinh con khi đủ ngày đủ tháng (sinh đẻ tự nhiên) hoặc lựa chọn phương pháp sinh mổ. Bởi lẽ, trước khi đứa trẻ được sinh ra thì người vợ đang mang bầu, sau khi người vợ sinh con thì thuộc trường hợp người vợ nuôi con dưới 12 tháng tuổi trừ trường hợp con sinh ra chết.

Khoản 21 điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm”. Theo quy định này, thì khái niệm sinh con đã không còn hiểu hạn chế là giai đoạn đứa trẻ được sinh ra sau giai đoạn mang bầu. Khái niệm sinh con đã bao gồm cả giai đoạn trước khi mang bầu gồm giai đoạn thực hiện việc thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm. Theo quy định này, thì khi vợ chồng bắt đầu các thủ tục, nhờ tới sự can thiệp bằng khoa học nhằm mục đích để người vợ mang bầu thì người chồng đã bị hạn chế quyền ly hôn đơn phương. Đối với trường hợp vợ chồng nhờ mang thai hộ hoặc lưu trữ phôi sau khi thực hiện kỹ thuật khoa học để chờ đợi việc sinh sản thì không thể coi là giai đoạn hạn chế quyền ly hôn đơn phương của người chồng vì (1) Vợ không trực tiếp mang bầu, không trực tiếp sinh con; (2) Giai đoạn lưu trữ phôi là một giai đoạn có thể kéo dài ngắn hoặc dài theo nhu cầu của vợ chồng, có thể là 1 năm hoặc nhiều năm , vì vậy, việc hạn chế quyền ly hôn đơn phương của người chồng trong trường hợp này sẽ là không phù hợp.

Thứ ba, vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi: 

Nuôi con dưới 12 tháng tuổi là một khái niệm rộng, không chỉ giới hạn ở việc nuôi con đẻ của vợ chồng (đương nhiên), mà còn có thể là (1) vợ đang nuôi con riêng, có trước khi kết hôn với người chồng hiện tại hoặc trong thời kỳ hôn nhân với người chồng hiện tại; (2) nuôi con nuôi dưới 12 tháng tuổi thì người chồng sẽ bị hạn chế quyền ly hôn đơn phương.

Quy định này nhằm quy định tối đa trách nhiệm của người chồng, người cha với vợ, trẻ em dưới 12 tháng tuổi, đảm bảo trẻ được chăm sóc tốt nhất về vật chất và tinh thần.

Mục đích các quy định hạn chế với người chồng về việc ly hôn đơn phương để bảo vệ quyền, lợi ích của bà mẹ, trẻ em trong thời kỳ khó khăn, vất vả nhất. Tuy nhiên, đối với các trường hợp mâu thuẫn trầm trọng thì việc ly hôn tiếp tục cũng không phải là giải pháp tốt nhất cho bà mẹ, trẻ em mà đây có thể là áp lực lớn dẫn tới những trường hợp phát sinh hậu quả khó lương. Do đó, luật quy định hạn chế quyền của người chồng, không quy định hạn chế quyền của người vợ. Đối với trường hợp mâu thuẫn trầm trọng, người vợ có thể lựa chọn phương án đơn phương ly hôn.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_img

Bài viết được quan tâm