Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
spot_img
Trang chủLuật sư Tư vấnLuật sư tư vấn Hôn nhân gia đìnhXác định cha, mẹ cho con khi không có đăng ký kết...

Xác định cha, mẹ cho con khi không có đăng ký kết hôn

Công ty Luật CMA - hotline: 0986057998 - 0944296698

Xác định cha, mẹ, con là một vấn đề rất quan trọng. Từ việc xác định cha; mẹ cho con sẽ làm phát sinh ra rất nhiều vấn đề liên quan đến quyền nhân thân; và quyền tài sản đối với các thành viên trong gia đình. Thông qua việc xác định con chung của vợ chồng sẽ chỉ ra được ai là chủ thể mang quyền; và nghĩa vụ trong mối quan hệ cha, mẹ, con. Đặc biệt; thông qua việc xác định con sẽ chỉ ra được ai là người có trách nhiệm nuôi dưỡng đứa trẻ. Vậy xác định cha, mẹ, con trong trường hợp không có đăng ký kết hôn như thế nào. Thủ tục đăng ký hộ tịch cho con sinh ra mà cha mẹ chưa đăng ký kết hôn ra sao ?

  1. Căn cứ pháp lý
  • Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
  • Luật Hộ tịch năm 2014;
  • Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Hộ tịch;
  • Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Hộ tịch và nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Hộ tịch.
  1. Luật sư tư vấn

Vấn đề xác định cha, mẹ, con  khi người mẹ không tồn tại hôn nhân mà có thai hoặc sinh con gặp khó khăn, vướng mắc khi có yêu cầu. Vì giữa cha, mẹ của người con không có hôn nhân hợp pháp, không thể áp dụng nguyên tắc xác định cha, mẹ cho con theo quy định tại khoản 1 điều 88 luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:

“Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.”

Để khắc phục tình trạng này, ngày 28/5/2020, Bộ tư pháp đã ban hành thông tư số 04/2020/TT-BTP hướng dẫn đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt

  • Trường hợp sinh con không có đăng ký kết hôn, con sinh ra sống cùng với cha.

Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con tại cơ quan hộ tịch có thẩm quyền để làm giấy khai sinh mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Nếu có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ. Nếu không có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp; người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.

Theo điều 7 luật Hộ tịch năm 2014, cơ quan hộ tịch có thẩm quyền đăng ký xác định cha, mẹ, con với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước là Ủy ban nhân dân dân cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền đăng ký xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài ( cha, mẹ, con là người nước ngoài,…)

  • Trường hợp sinh con không có đăng ký kết hôn, con sinh ra ở với mẹ, không xác định được cha.

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch 2014 quy định về đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha mẹ như sau:

“ Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.

Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.”

Như vậytrong trường hợp nam nữ không đăng ký kết hôn, con sinh ra không xác định được cha mà người mẹ muốn làm giấy khai sinh cho con, việc đăng ký khai sinh cho con vẫn được thực hiện như đối với khai sinh cho con trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề sau:

– Không bắt buộc người mẹ phải khai về cha đứa trẻ;

– Họ và dân tộc của trẻ được xác định theo họ và dân tộc của người mẹ;

– Phần khai về người cha của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh phải để trống, tuyệt đối không gạch chéo, không viết gì khác vào phần khai này;

– Chỉ ghi thông tin về người cha khi đã có Quyết định công nhận việc cha nhận con có hiệu lực của UBND cấp xã hoặc của Toà án nhân dân;

– Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú mà có người nhận là cha của đứa trẻ và đề nghị được ghi tên vào phần khai về người cha, thì  có 02 cách giải quyết sau:

Trường hợp 1: Nếu việc nhận con là tự nguyện và không có tranh chấp, thì kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh theo thủ tục đăng ký hộ tịch.

Khi kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh thì được phép xác định họ, dân tộc của người con theo họ, dân tộc của người cha (nếu cha và mẹ có thoả thuận) ngay từ thời điểm đăng ký khai sinh; được phép ghi ngay tên của người cha vào phần khai về người cha trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh.

Trường hợp 2: Nếu việc cha nhận con có tranh chấp, thì cán bộ Tư pháp – Hộ tịch hướng dẫn người cha làm thủ tục nhận con tại Toà án nhân dân có thẩm quyền. Khi quyết định công nhận cha cho con của Toà án nhân dân có hiệu lực thì mới được làm các thủ tục khác như: ghi bổ sung vào phần khai về người cha trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của người con; xin thay đổi họ và xác định lại dân tộc cho người con theo họ và dân tộc của người cha.[1]

  • Trường hợp nam nữ sống chung chưa đăng ký kết hôn, cha mẹ thừa nhận con chung

Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh nhưng không có thông tin về người cha, nay vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục nhận cha, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con.

Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_img

Bài viết được quan tâm