Đối với một thai nhi, mặc dù chưa được sinh ra đời nhưng vẫn được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Vậy với di sản thừa kế thì quy định của pháp luật như thế nào? Thai nhi có được quyền hưởng di sản thừa kế với di sản của bố, ông, bà, chú, bác,… để lại không?
- Thai nhi có quyền hưởng thừa kế với di sản thừa kế không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 613 BLDS năm 2015 quy định về người thừa kế như sau: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết…”
Như vậy, thai nhi có quyền được hưởng di sản thừa kế của người để lại di sản, nếu đáp ứng được 02 điều kiện sau:
+ thai nhi phải hình thành trước khi người đó mất
+ khi sinh ra, thai nhi còn sống tại thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế.
- Quyền hưởng thừa kế của thai nhi trong trường hợp người cha đã mất trước khi thai nhi được sinh ra.
Trường hợp, người chồng chết và người vợ đã thụ thai thì áp dụng căn cứ tại khoản 1 điều 88 luật HN&GĐ năm 2014 để xác định cha mẹ, con như sau:
“Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.”
Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì con sinh ra sau khi người cha mất được hưởng thừa kế nếu người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân hoặc trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân (do người bố chết hoặc bố, mẹ đã ly hôn trước khi thai nhi sinh ra)
+ thai nhi phải hình thành trước khi người đó mất
+ con sinh ra và còn sống tại thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế.
- Phân chia di sản thừa kế sau khi thai nhi ra đời.
- Thừa kế theo di chúc:
Người chết để lại di chúc và di chúc đó hợp pháp, việc định đoạt và phân chia di sản để lại sẽ tuân theo ý chí được thể hiện trong di chúc.Trong trường hợp di chúc có đề cập về việc hưởng thừa kế của thai nhi thì phải thực hiện theo ý chí của người chết để lại, nếu di chúc không đề cập đến thì sau khi sinh ra sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật về người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc theo Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
- a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Trong trường hợp di chúc của người chết không để lại phần di sản cho con chưa sinh ra khi thai nhi được sinh ra hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất của một người thừa kế thì cháu bé vẫn có quyền hưởng di sản từ người chết để lại bằng 2/3 một suất của một người thừa kế theo pháp luật.
- Thừa kế theo pháp luật
Trường hợp người chết không để lại di chúc hoặc có để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp thì di sản sẽ được chia theo pháp luật cho những người cùng hàng thừa kế theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Theo quy định tại Điều 660 BLDS năm 2015 có quy định về người được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật, khi phân chia di sản thừa kế, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải để lại một phần di sản bằng phần của những người thừa kế khác.
– Nếu thai nhi đó còn sống sau khi sinh ra thì sẽ được hưởng phần di sản thừa kế này.
– Nếu người đó chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng phần di sản thừa kế này.
Như vậy, thai nhi thành thai trong bụng mẹ trước khi người để lại di sản chết và sinh ra sau khi người để lại di sản chết và còn sống tại thời điểm phân chia di sản thì cũng được hưởng thừa kế; kỷ phần di sản của cháu bé này cũng bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng. Nhưng khác biệt về độ tuổi so với các chủ thể khác, đối tượng này do chưa thành niên (chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ) nên phần di sản thừa kế cháu bé được hưởng sẽ do người giám hộ đương nhiên (hoặc được cử ra) quản lý cho đến khi cháu bé thành niên (năng lực hành vi dân sự đầy đủ).