Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
spot_img
Trang chủLuật sư Tư vấnLuật sư tư vấn Lao độngTạm hoãn hợp đồng lao động do dịch bệnh covid19

Tạm hoãn hợp đồng lao động do dịch bệnh covid19

  1. Cơ sở pháp lý
  • Bộ luật lao động năm 2012.
  • Bộ luật dân sự 2015
  • Nghị định 05/2015/NĐ-CP.
  1. Luật sư tư vấn:

Trong quá trình thực hiện hợp lao động (HĐLĐ) sẽ xảy ra những tình huống phát sinh khiến việc thực hiện hợp đồng bị gián đoạn. Một trong những sự gián đoạn đó là Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Vậy điều kiện để được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động là gì? Nghĩa vụ của hai bên khi tiến hành tạm hoãn hợp đồng lao đôngj được quy định như thế nào? Nếu bạn chưa tìm hiểu quy định pháp luật về vấn đề này, bạn có thể tham khảo nội dung tư vấn của Công ty luật CMA dưới đây:

Tạm hoãn hợp đồng lao động là việc tạm thời ngừng việc thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động đã cam kết giữa người lao động và công ty (người sử dụng lao động) trong một thời gian nhất định do sự kiện quy định của pháp luật hoặc theo sự thỏa thuận của các bên hợp đồng.

Theo quy định tại điều 32 Bộ luật lao động, hợp đồng lao động có thể được tạm hoãn theo yêu cầu của một bên hoặc thỏa thuận của hai bên khi phát sinh các sự kiện pháp lý sau:

Thứ nhất, Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự. Được hiểu là sự kiện người lao động phải thực hiện nghĩa vụ quân nhân bao gồm: Nhập ngũ có thời hạn hoặc tham gia các đợt huấn luyện thường kỳ, định kỳ theo yêu cầu của Ban chỉ huy quân sự huyện hoặc các nhiệm vụ quốc phòng khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ hai, Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự (có lệnh tạm giam, quyết định tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền). Đối với  trường hợp người lao động được trả tự do vì lý do: i) Được kết luận là không phạm tội thì người sử dụng lao động có trách nhiệm nhận lại người lao động khi họ đến nhận việc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm giam, tạm giữ; ii) Do hết thời hạn tạm giam, tạm giữ theo quy định của pháp luật, chưa có kết luận của cơ quan chức năng về việc họ có tội hay không có tội. Trường hợp thứ nhất, nếu người lao động đang bị điều tra, xác minh về các hành vi có dấu hiệu tội phạm trong quá trình lao động thì người sử dụng lao động có thể quyết định tạm đình chỉ công việc của họ chờ kết luận điều tra; Trường hợp thứ hai, đối với hành vi vi phạm đang bị điều tra, xử lý phát sinh ngoài doanh nghiệp thì cần xử lý như thế nào? Hiện tại, pháp luật về lao động không có quy định rõ về trường hợp này. Tuy nhiên, thực tế quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giữ, tạm giam sang biện pháp khác thường là tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú thì bao giờ cũng giao người bị tình nghi cho chính quyền địa phương quản lý. Do vậy, trong trường hợp này, được hiểu là người lao động không được tự do đi lại, không thể thực hiện một cách bình thường các công việc, thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Vì vậy, tuy chưa có quy định rõ ràng nhưng thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong trường hợp này phải được hiểu là hết thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn của cơ quan tiến hành tố tụng.

Đối với trường hợp, người lao động bị kết án tù có thời hạn hoặc tù không thời hạn (chung thân), tử hình thì hợp đồng lao động sẽ đương nhiên bị chấm dứt kể từ thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật theo quy định tại khoản 5 điều 36 Bộ luật lao động mà người sử dụng lao động không phải thực hiện việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Thứ ba, Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Thứ tư, Lao động nữ mang thai có xác nhận tình trạng sức khỏe của cơ sở y tế.

Thứ năm, Các trường hợp khác do hai bên thỏa thuận. Ngoài các sự kiện luật định nói trên, thì các bên có thể thỏa thuận về việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Vậy khi bị ảnh hưởng bởi dịch covid 19 thì doanh nghiệp có thể đơn phương ra thông báo áp dụng biện pháp tạm hoãn thực hiện lao động hay không? Theo quy định nói trên thì ngoài 04 trường hợp luật định, thì một trong các bên không có quyền đương nhiên áp dụng biện pháp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Trong trường hợp ảnh hưởng của dịch bệnh này, nếu người sử dụng lao động (công ty) muốn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người lao động. Vậy nếu người lao động không đồng ý tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì doanh nghiệp phải làm gì để bảo đảm quyền lợi cho mình và phục hồi sản xuất sau khi dịch bệnh được khắc phục?

Trường hợp người lao động không đồng ý thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh thì người sử dụng lao động có thể áp dụng các biện pháp như sau:

Thứ nhất, điều chuyển tạm thời người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại điều 31 Bộ luật lao động trong trường hợp còn có công việc khác để sử dụng lao động.

Thứ hai, cho ngừng việc và hưởng chế độ lương ngừng việc theo quy định tại điều 98 Bộ luật lao động trong trường hợp không còn công việc để bố trí lao động.

Thứ ba, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 38 Bộ luật lao động trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp cần thiết nhưng buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

_______________

Tư vấn luật sư vui lòng liên hệ:

Công ty Luật CMA

Hotline: 0986.057.998 & 0944.296.698           Email: CongtyluatCMA@gmail.com

Luật sư – Tư vấn – Tranh tụng – Sở hữu trí tuệ

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_img

Bài viết được quan tâm