Thứ bảy, Tháng mười hai 7, 2024
spot_img
Trang chủLuật sư Tư vấnLuật sư tư vấn Lao độngHợp đồng lao động "bị núp bóng" hợp đồng cộng tác viên

Hợp đồng lao động “bị núp bóng” hợp đồng cộng tác viên

Không ít trường hợp các doanh nghiệp có lớn, có nhỏ theo tính chất quy mô đã và đang áp dụng hình thức hợp đồng cộng tác viên với người lao động để tránh ký hợp đồng lao động với người lao động. Việc làm này chủ yếu nhằm trốn tránh các nghĩa vụ về bảo hiểm cho người lao động: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quỹ công đoàn và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động mà người sử dụng lao động phải đảm bảo trong quan hệ lao động.

Trước đây, bản thân các quy định của luật lao động không có quy định điều chỉnh rõ ràng về loại hợp đồng này. Tuy nhiên, trên thực tế giải quyết các vụ án về tranh chấp hợp đồng lao động, tòa án, các cơ quan chức năng sẽ căn cứ theo thực tế quan hệ giữa hai bên để khẳng định rằng đó có phải là hợp đồng lao động hay không phải hợp đồng lao động? để xác định đó là tranh chấp hợp đồng lao động hay tranh chấp dân sự thông thường?

Tại điều 15, 16 Bộ luật lao động quy định:

“Điều 15. Hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”

Theo đó, Hợp đồng lao động là thỏa thuận bằng lời nói hoặc văn bản giữa người sử dụng lao động và người lao động về công việc, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của các bên. Trong quan hệ lao động, người lao động là người “bán sức lao động” của mình cho người sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định theo giờ, ngày hoặc tháng.

Sức lao động là loại hàng hóa đặc biệt, không thể trao theo cách thông thương mà phải thông qua hoạt động của người có sức lao động đó dưới dạng công việc cụ thể. Vì vậy, để có thể nhận được “sức lao động” từ người bán – người lao động, thì người sử dụng lao động bắt buộc phải có biện pháp giao việc, quản lý, giám sát, đánh giá. Kết quả, chất lượng của loại hàng hóa này chính là sản phẩm cụ thể bằng vật chất hoặc dịch vụ do sức lao động đó tạo ra theo mục tiêu, mong muốn của người mua nó – người sử dụng lao động.

Như vậy, để nhận diện được quan hệ lao động thì phải nhìn đến bản chất của hoạt động quản lý, giám sát, điều hành. Nếu xuất hiện hoạt động này kèm theo với việc trả lương căn cứ trên chính hoạt động đó thì phải được xác định đó là quan hệ lao động. Trong trường hợp có hoạt động quản lý, giám sát, điều hành người cộng tác theo hợp đồng cộng tác viên, người nhận khoán theo hợp đồng giao khoán thì các hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng giao khoán này sẽ vô hiệu do mục đích của nó là nhằm che dấu cho một quan hệ pháp luật khác. Khi các hợp đồng này bị vô hiệu, thì quan hệ giữa các bên sẽ được trả về đúng bản chất là quan hệ lao động. Trường hợp này, các điều khoản thỏa thuận không cụ thể sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật tương ứng, nội quy, quy chế, quy định, thỏa ước lao động của doanh nghiệp/tổ chức/ngành đó để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên.

Đây cũng là quan điểm giải quyết các tranh chấp lao động trong suốt nhiều năm qua của cơ quan tố tụng – Tòa án. Quan điểm pháp lý này đến nay đã được pháp điển hóa trong bộ luật lao động năm 2019 (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021), cụ thể:

Điều 13. Hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tin lương, điều kiện lao động, quyn và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

Quy định này sẽ hạn chế tối đa việc người sử dụng lao động cố ý ký các loại hợp đồng: cộng tác viên, giao khoán…. để tránh ký hợp đồng lao động làm ảnh hưởng tới quyền, lợi của người lao động.

Trên thực tế, việc ký các hợp đồng cộng tác viên, giao khoán nhằm tránh ký hợp đồng lao động đa phần xuất hiện ở các doanh nghiệp nhỏ hoặc cá nhân hoạt động sản xuất quy mô nhỏ không chuyển nghiệp. Bởi thực tế công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý lao động, bảo hiểm, thuế trong những năm qua cộng với các quy định, chế tài được pháp điển hóa cũng có sức răn đe, giáo dục, ngăn chặn mạnh mẽ với các doanh nghiệp có ý định này.

Trên tinh thần chung thì đối với các hợp đồng cộng tác viên, giao khoán không có sự quản lý, điều hành của người ký hợp đồng cộng tác, của bên giao khoán mà người cộng tác, người được giao khoán tự quản lý thời gian, tự sắp xếp để thực hiện các công việc của mình và hưởng lợi ích trên cơ sở kết quả cụ thể thì đây không được coi là quan hệ lao động mà một quan hệ dân sự thông thường. Trong trường hợp các bên có tranh chấp với loại hình hợp đồng này thì tòa án sẽ căn cứ trên cơ sở pháp luật dân sự và hợp đồng giữa các bên (các điều khoản phải đảm bảo không trái pháp luật, đạo đức xã hội) để giải quyết.

_______________

Tư vấn Luật sư vui lòng liên hệ:

Công ty Luật CMA

Hotline: 0986.057.998 & 0944.296.698           Email: CongtyluatCMA@gmail.com

Luật sư – Tư vấn – Tranh tụng – Sở hữu trí tuệ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_img

Bài viết được quan tâm