- Mua bán doanh nghiệp là gì?
Mua bán doanh nghiệp là việc một cá nhân, một nhóm người hoặc một doanh nghiệp giành quyền kiểm soát một doanh nghiệp khác thông qua hình thức sáp nhập hoặc hình thức mua lại (có thể mua lại một phần hoặc toàn bộ tài sản, cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp) nhằm giành quyền kiểm soát, tham gia các quyết định quan trọng trong hoạt động kinh doanh cũng như quản trị có tác động lớn đến doanh nghiệp bị sát nhập/mua lại. Cụ thể:
– Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số công ty (công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
– Mua lại doanh nghiệp là việc một cá nhân, một nhóm người hoặc một doanh nghiệp mua lại một phần hoặc toàn bộ tài sản, cổ phần, phần vốn góp của một doanh nghiệp khác (doanh nghiệp bị mua lại), doanh nghiệp bị mua lại vẫn giữ nguyên tư cách pháp nhân như cũ. Cá nhân, nhóm người hoặc doanh nghiệp mua lại có quyền sở hữu hợp pháp đối với doanh nghiệp bị mua lại.
Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, việc mua bán doanh nghiệp chỉ được thực hiện một cách trực tiếp đối với doanh nghiệp tư nhân. Đối với các loại hình doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Một thành viên, Công ty TNHH Hai thành viên trở lên, Công ty cổ phần; việc mua bán này được thực hiện gián tiếp thông qua việc mua lại vốn góp của chủ sở hữu công ty, phần vốn góp của thành viên công ty hoặc cổ phần của cổ đông công ty.
2. Quy trình mua bán doanh nghiệp
2.1. Xây dựng chiến lược kinh doanh và xác định mục tiêu tiềm năng
Xây dựng chiến lược kinh doanh và xác định mục tiêu tiềm năng là một bước vô cùng quan trọng của thương vụ sáp nhập – mua lại, thể hiện bằng việc đặt rõ mục tiêu cần đạt được; dự đoán những lợi ích, rủi ro, dự trù phương án hạn chế, khắc phục rủi ro;…Từ đó đánh giá các mục tiêu tiềm năng và chọn ra mục tiêu tiềm năng nhất cho chiến lược kinh doanh của mình.
2.2. Đánh giá doanh nghiệp mục tiêu
Mua bán doanh nghiệp có hai loại rủi ro chính là rủi ro về mặt pháp lý và rủi ro về mặt tài chính. Để nhận rõ những rủi ro này, bên mua cần phải tiến hành các hoạt động đánh giá doanh nghiệp bên bán, đánh giá những lợi thế và rủi ro có thể gặp phải, dựa vào đó cân nhắc quyết định có nên mua hay không và dự tính mức giá hợp lí có thể mua là bao nhiêu.
Nhằm đảm bảo lợi ích của các bên (đặc biệt là lợi ích của bên bán) trước khi tiến hành đánh giá, thông thường các bên sẽ ký với nhau các biên bản thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận bảo mật thông tin. Theo đó, bên bán cung cấp toàn bộ thông tin của doanh nghiệp mình cho bên mua hoặc cung cấp thông tin theo yêu cầu của bên mua; bên mua có thể độc lập kiểm tra hoặc thuê các tổ chức hành nghề luật sư, kiểm toán, thẩm định giá kiểm tra đánh giá tình trạng pháp lý, tài chính,…của bên bán. Toàn bộ quá trình kiểm tra, đánh giá này phải được bảo mật thông tin tuyệt đối giữa các bên.
2.3. Đánh giá rủi ro về mặt pháp lý
Những rủi ro về mặt pháp lý có thể bao gồm: rủi ro trong quá trình hoạt động (đang tạm ngừng hoặc buộc phá sản do vi phạm các nghĩa vụ về thuế, nợ đọng các khoản tiền, không tuân thủ quy định của pháp luật khi kinh doanh); rủi ro từ các hành động pháp lý của đối tác; rủi ro đến từ các hành vi cố ý, vô ý hoặc bất cẩn của cán bộ quản lý và người lao động của doanh nghiệp; tranh chấp,…. dẫn tới doanh nghiệp đang bị kiện tụng hay vướng vào các vấn đề pháp lý khác.
Những rủi ro về mặt pháp lý được đánh giá thông qua một số tài liệu trong quá trình hoạt động của bên bán như sau:
- Hồ sơ thành lập và hoạt động: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các loại giấy phép, Điều lệ doanh nghiệp
- Hồ sơ về vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp: Các biên bản/thỏa thuận/hợp đồng góp vốn giữa các sáng lập viên/thành viên/ cổ đông sáng lập/cổ đông hiện hữu ; Các thỏa thuận, hợp đồng mua bán – chuyển nhượng cổ phần/vốn góp/trái phiếu, hợp đồng vay chuyển đổi và các thỏa thuận khác có liên quan đến việc chuyển nhượng/góp vốn/phát hành thêm cổ phần; Giấy chứng nhận vốn góp/Giấy chứng nhận sở hữu phần vốn góp và tài liệu tương tự (nếu có); Biên bản định giá tài sản góp vốn/chứng thư thẩm định giá tài sản góp vốn; Chứng từ chứng minh các giao dịch chuyển khoản cho việc góp vốn, chuyển nhượng/biên bản bằng văn bản hay xác nhận khác tương đương về vấn đề này; và tất cả các tài liệu liên quan khác kể từ thời điểm thành lập và từng thời điểm phát sinh.
- Hồ sơ về nhân sự và cơ cấu tổ chức: Tất cả biên bản họp, nghị quyết/quyết định của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên và Đại hội đồng cổ đông về các vấn đề bổ nhiệm, bãi nhiệm, xử lý kỷ luật của những vị trí chủ chốt của Doanh nghiệp liên quan đến bộ máy nhân sự và cơ cấu tổ chức; danh sách Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị,…
- Hồ sơ về lao động – bảo hiểm: Nội quy lao động; Hợp đồng lao động; Thang bảng lương; Hồ sơ công đoàn; Hồ sơ bảo hiểm; Hệ thống quy chế quản lý nội bộ công ty….
- Hợp đồng, giao dịch: Các hợp đồng đã ký kết liên quan đến hoạt động kinh doanh của bên bán bao gồm cả hơp đồng cung cấp dịch vụ cũng như sử dụng dịch vụ,…
- Hồ sơ về tài sản của doanh nghiệp: Danh mục tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp/thuê hoặc cho thuê/ được sử dụng dưới các hình thức khác của doanh nghiệp; tài liệu chứng minh quyền sở hữu/quyền sử dụng tài sản; văn bằng bảo hộ, đăng ký đối với các tài sản sở hữu trí tuệ.
- Hồ sơ về thuế, kế toán, ngân hàng: Báo cáo tài chính; Sổ sách kế toán; Chứng từ thu, chi; Kế hoạch tài chính; Nợ phải thu, nợ phải trả; Nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước; Các xác nhận của ngân hàng về tình trạng tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp và bảng kê giao dịch tài khoản ngân hàng trong 03 năm tài chính gần nhất.
- Hồ sơ về xử phạt, tranh chấp và tố tụng: Danh sách và tài liệu có liên quan đến các tranh chấp của Doanh nghiệp/Cổ đông sáng lập/Thành viên sáng lập; Các biên bản xử phạt hành chính/thanh tra, kiểm tra trực tiếp tới doanh nghiệp và các tài liệu khác cơ liên quan (nếu có)
Bên mua có thể tự đánh giá những tài liệu trên hoặc thuê các đơn vị có chuyên môn về pháp lý như tổ chức hành nghề luật sư tiến hành thẩm định và đưa ra báo cáo thẩm định pháp lý chính xác nhất.
2.4. Đánh giá rủi ro về mặt tài chính
Những rủi ro về mặt tài chính có thể gồm rủi ro về nguồn vốn (ví dụ như bên mua chưa góp đủ vốn, nguồn vốn kinh doanh không minh bạch…), rủi ro về tài sản (việc định giá tài sản không đúng với giá trị thực tế), rủi ro về các khoản nợ đối với cơ quan nhà nước và đối tác,…
Bên mua có thể tự đánh giá những rủi ro này thông qua báo cáo tài chính, sổ sách kế toán, tài sản,… hoặc thuê một đơn vị kiểm toán độc lập tiến hành thẩm định và đưa ra báo cáo thẩm định tài chính.
Bên cạnh các khía cạnh về pháp lý, tài chính, bên mua cũng cần đánh giá một số tiêu chí khác như thị trường, sản phẩm tiêu thụ, hệ thống kinh doanh, thương hiệu, hình ảnh, khách hàng, đối tác,…của bên bán để việc đánh giá được bao quát, toàn diện.
2.5. Định giá và đàm phán giá mua
Trên thực tế, định giá và đàm phán giá mua là giai đoạn thường có nhiều mâu thuẫn khi mà bên bán muốn bán doanh nghiệp với giá cao còn bên mua lại muốn mua với giá thấp. Do đó, để khách quan, các bên có thể thuê một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp tiến hành việc định giá doanh nghiệp. Báo cáo thẩm định giá và mức giá mà tổ chức thẩm định giá đưa ra là cơ sở để các bên thống nhất mức giá cuối cùng hoặc thúc đẩy quá trình đàm phán về giá diễn ra nhanh chóng hơn.
2.6. Đàm phán và ký kết hợp đồng
Ở giai đoạn này, hai bên đàm phán các điều khoản cụ thể, trách nhiệm, quyền hạn của mỗi bên trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Hợp này phải đảm bảo tính chặt chẽ, bao quát, tuân thủ các quy định của pháp luật, đồng thời dự đoán được các vấn đề có thể phát sinh và đưa ra điều khoản để điều chỉnh những vấn đề đó.
Sau khi đã thống nhất một bản hợp đồng hoàn chỉnh, hai bên ký kết hợp đồng chính thức.
2.7. Hoàn tất hoạt động mua bán doanh nghiệp
Hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng: tổ chức họp, ký kết hợp đồng chuyển nhượng, xác nhận chuyển nhượng; tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty (đối với công ty cổ phần); kê khai và nộp thuế từ việc chuyển nhượng.
Thực hiện các thủ tục đăng ký thay đổi tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật: sau khi hoàn tất các thủ tục trên, bên mua phải đăng ký, thông báo những thông tin thay đổi của doanh nghiệp bị mua lại lên Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp bị mua lại đặt trụ sở (ví dụ như thông tin về chủ sở hữu, thành viên, người đại diện theo pháp luật,…)