Thứ tư, Tháng mười một 20, 2024
spot_img
Trang chủLuật sư Tư vấnLuật sư tư vấn Lao độngQuy định mới về chấm dứt Hợp đồng lao động

Quy định mới về chấm dứt Hợp đồng lao động

I. Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật lao động năm 2019

II. Luật sư CMA tư vấn

  1. Các trường hợp đương nhiên chấm dứt Hợp đồng lao động

1.1. Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trục xuất là một hình phạt được áp dụng đối với người nước ngoài buộc phải rời khỏi lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam khi vi phạm các quy định của pháp luật hình sự, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Do không còn có mặt tại Việt Nam nên đương nhiên quan hệ lao động giữa Người lao động và Người sử dụng lao động không thể tiếp tục thực hiện. Quy định mới này của Bộ luật lao động 2019 đã giúp Người sử dụng lao động có thể chấm dứt Hợp đồng lao động trong trường hợp Người lao động bị trục xuất mà không phải lo lắng về các rủi ro pháp lý có thể xảy ra.

1.2. Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Một trong những điều kiện cần để Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là phải có Giấy phép lao động, trừ trường hợp không thuộc diện cấp Giấy phép lao động theo quy định. Do đó, khi Giấy phép lao động hết hiệu lực thì Người lao động đó không còn đủ các điều kiện để lao động tại Việt Nam. Theo Điều 153 Bộ luật lao động 2019 thì “Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam”.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 156 Bộ luật lao động 2019 thì nội dung của hợp đồng lao động phải đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp nên thời hạn ghi trong Hợp đồng lao động cũng phải phù hợp với thời hạn của Giấy phép lao động đã được cấp. Khi Giấy phép lao động hết hiệu lực thì đương nhiên thời hạn của Hợp đồng lao động cũng hết và đây là trường hợp đương nhiên Hợp đồng lao động chấm dứt hiệu lực.

1.3. Thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.

Khi thử việc với Người lao động, Người sử dụng lao động có thể lựa chọn giữa 02 hình thức là ký kết Hợp đồng thử việc hoặc ký kết Hợp đồng lao động có nội dung thử việc. Đối với trường hợp ký kết Hợp đồng thử việc thì Hợp đồng này không phải là Hợp đồng lao động, chỉ phải chịu sự điều chỉnh của quy định về thử việc.

Đối với trường hợp ký kết Hợp đồng lao động có nội dung thử việc thì Hợp đồng này không chỉ đơn thuần là thử việc mà còn có nội dung liên quan đến quan hệ lao động sau thử việc. Bộ luật lao động năm 2019 quy định trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc thì đương nhiên chấm dứt Hợp đồng lao động là hoàn toàn hợp lý.

1.4. Bỏ trường hợp đương nhiên chấm dứt Hợp đồng lao động khi Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 36 Bộ luật lao động 2012 thì đối với người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu và đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì Hợp đồng lao động đương nhiên chấm dứt. Tuy nhiên, tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP lại có quy định về việc quan hệ lao động với Người lao động cao tuổi không đương nhiên chấm dứt mà vẫn có thể được tiếp tục nếu Người lao động có đủ sức khỏe và Người sử dụng lao động có nhu cầu sử dụng lao động. Mặt khác, việc tiếp tục hoặc không tiếp tục quan hệ lao động giữa khi Người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu phải do các bên tự định đoạt.

Vì lẽ đó, Bộ luật lao động 2019 đã bỏ quy định này, đưa trường hợp Người lao đủ tuổi nghỉ hưu trở thành một trong các trường hợp được đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động của Người lao động và Người sử dụng lao động.

  1. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

2.1. Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.

Có thể thấy rằng việc tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc liên tục không có lý do chính đáng là một vi phạm nghiêm trọng và thông thường trong trường hợp này Người sử dụng lao động khó liên lạc được với Người lao động để thực hiện các thủ tục xử lý kỷ luật sa thải. Mặt khác, trình tự thủ tục để áp dụng xử lý kỷ luật sa thải rất chặt chẽ và mất nhiều công sức và thời gian để thực hiện. Bộ luật lao động 2019 quy định bổ sung quy định này tạo điều kiện cho Người sử dụng lao động đơn giản hóa tối đa các thủ tục pháp lý để chấm dứt Hợp đồng lao động.

2.2.Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

Bộ luật lao động 2019 quy định bổ sung nghĩa vụ của Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu. Cùng với đó, việc vi phạm nghĩa vụ này của Người lao động sẽ dẫn đến hệ quả Người sử dụng lao động có thể được áp dụng quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động do mục đích ban đầu của các bên khi xác lập quan hệ lao động không đạt được. Người sử dụng lao động có thể lựa chọn giữa việc bỏ qua và tiếp tục quan hệ lao động với Người lao động đó hoặc đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động theo quy định này.

2.3. Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu

Khác với Bộ luật lao động 2012, việc Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH không còn là trường hợp đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động mà sẽ tùy thuộc vào phía Người lao động cũng như Người sử dụng lao động có muốn tiếp tục quan hệ lao động hay không? Nếu trường hợp không muốn tiếp tục quan hệ lao động thì một trong hai bên đều có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động theo quy định (không yêu cầu về Người lao động phải đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì mới phát sinh quyền chấm dứt Hợp đồng lao động).

2.4.Về thời hạn báo trước

Trong trường hợp Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn tạm hoãn Hợp đồng lao động và Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên sẽ không áp dụng quy định về thời hạn báo trước, người sử dụng lao động có thể lập tức thực hiện quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động của mình.

  1. Người lao động đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động

3.1. Bỏ các lý do đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động của người lao động.

Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động 2012 thì đối người lao động làm việc theo Hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc Hợp đồng lao động theo mùa vụ có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng chỉ khi có những lý do nhất định như không được bố trí đúng vị trí công việc, bị ngược đãi, quấy rối tình dục, bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục Hợp đồng lao động… Chỉ trường hợp người lao động làm việc theo Hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì mới được quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động mà không bị ràng buộc bởi những điều kiện kể trên.

Sang đến Bộ luật lao động 2019 thì đã bãi bỏ hoàn toàn các lý do nêu trên. Người lao động có thể tự mình quyết định việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động mà không cần nêu lý do cụ thể, chỉ cần tuân thủ về thời hạn báo trước.

3.2. Bổ sung các trường hợp Người lao động đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động không cần báo trước.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 35 Bộ luật lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong các trường hợp sau đây:

  • Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận;
  • Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn;
  • Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
  • Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
  • Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc;
  • Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định;
  • Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực.

DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG CỦA LUẬT SƯ CMA:

  • Tư vấn các vấn đề pháp lý về lao động có liên quan, soạn thảo Hợp đồng lao động, cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý thường xuyên cho Doanh nghiệp…;
  • Thu thập tài liệu, phối hợp thu thập tài liệu chứng cứ, soạn thảo văn bản, tài liệu cần thiết cho hoạt động giải quyết tranh chấp lao động;
  • Tham gia hoà giải, giải quyết tranh chấp trước khi khởi kiện;
  • Tham gia tố tụng tại toà án theo yêu cầu của khách hàng.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_img

Bài viết được quan tâm