Phiên tòa phúc thẩm sáng ngày 15/09/2020, bị cáo không có luật sư bào chữa, một mình đối diện với Hội đồng xét xử 3 thẩm phán cấp cao, 2 vị kiểm sát viên cao cấp và chỉ xin giảm nhẹ cho mình mà không thể tự nói ra mình nhẹ ở cái gì?
Nội dung vụ án sơ lược như sau: Bị cáo và bị hại cùng cung cấp vật liệu cho một công trình xây dựng. Bị hại (ông K) người lái xe chở cọc tre đến trước, khi đến công trình ông K đổ cọc tre chắn các vị trí khác. Bị cáo (A, thuộc thế hệ 9x) lái xe chở vật liệu xây dựng đến sau thấy ông K đổ cọc tre chắn đường không đi vào được thì có nhắc nhở, yêu cầu ông K dọn gọn đường để xe bị cáo vào hạ vật liệu. Lời qua tiếng lại, ông K (ông K đã lớn tuổi, khám nghiệm tử thi trong máu có nồng độ cồn) chửi mắng bị cáo, bị cáo bỏ đi thì ông K có đuổi theo giơ lắm đấm về phía bị cáo thách thức. Bị cáo quay lại gạt tay ông K và đấm ông K 02 cái vào đầu. Ông K được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng ông K không qua khỏi do chấn thương sọ não, tụ máu não. Bị cáo bị hội đồng xét xử cấp sơ thẩm tuyên bố phạm tội “Giết người”.
Đối với các hành vi gây xâm phạm đến thân thể của người khác có hậu quả chết người thì tùy theo tính chất, mức độ, cường độ, hung khí, lỗi, ý chí, điều kiện hoàn cảnh … có thể bị xem xét xử lý ở một trong hai tội danh:
- Tội Giết người quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự, với mức hình phạt quy định tại khoản 2 từ 07 đến 15 năm tù giam; hoặc
- Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung quy định tại điểm a khoản 4: Làm chết người. Hậu quả đều là giết người với mức khung hình phạt từ 07 đến 14 năm tù giam.
Tội cố ý gây thương tích và gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người cũng như tội giết người có ranh giới phân biệt hết sức mong manh. Một tình tiết, một yếu tố cũng có thể làm chuyển hóa giữa hai tội danh này.
Vậy, giữa hai tội danh này phân biệt như thế nào? Có sự khác nhau ra sao?
Thứ nhất, Mục đích phạm tội:
- Tội giết người: Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân.
- Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người: Người phạm tội thực hiện hành vi chỉ nhằm mục đích gây tổn hại đến thân thể nạn nhân. Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội.
Nếu có đồng phạm và chứng minh được ý thức chủ quan của người phạm tội là chỉ thuê, nhờ, cùng người khác gây thương tích cho nạn nhân mà không có ý định tước đoạt tính mạng của họ thì sẽ là tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.
Mục đích của tội phạm thuộc về phần ý chí, nội tại bên trong của tội phạm, là yếu tố bắt buộc phải chứng minh trong các tội danh với lỗi có ý trực tiếp như hai tội danh đang phân biệt trong bài viết này.
Mục đích của tội phạm là cái đích, kết quả hành vi mà tội phạm mong muốn đạt được. Để chứng minh mục đích phạm tội, thì phải thông qua các hình thức biểu hiện ra bên ngoài của nó. Thông thường mục đích của tội phạm được thể hiện trên cơ sở nhiều yếu tố như: Việc chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội thường là hung khí có tính nguy hiểm, sát thương cao (ví dụ: chuẩn bị dao, kiếm…); Lựa chọn thời gian, địa điểm thường là khoảng thời gian hoặc địa điểm dễ ra tay bất ngờ mà người bị hại không có cơ hội để phòng bị; Các lời lẽ trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội mà bị cáo khai ra, người khác chứng kiến hoặc camera ghi lại hoặc các tin nhắn điện thoại…đe dọa, hô hoán; Cường độ tấn công, mức độ quyết liệt của hành vi, ví dụ như: Đuổi chém, đánh, đấm đá sau khi bị hại đã bỏ chạy hoặc đã bị can ngăn nhưng vùng vẫy quyết tâm thực hiện bằng được việc xâm phạm tính mạng của người khác; …
Thứ hai, về cường độ và mức độ tấn công:
- Tội giết người: Mức độ tấn công thông thường là nhanh, liên tục với cường độ tấn công mạnh, có tính quyết liệt…
Ví dụ: người phạm tội đánh nạn nhân liên tục với lực đánh rất mạnh mặc dù mọi người khác đã can ngăn nhưng vẫn cứ tiếp tục đánh làm cho nạn chết
- Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người: Mức độ tấn công yếu hơn và không liên tục dồn dập với cường độ tấn công nhẹ hơn.
Ví dụ: khi người phạm tội đang đánh nạn nhân thì có người can ngăn, người phạm tội lập tức ngừng hành động đó lại, thậm chí cấp cứu hoặc đưa nạn nhân đi cấp cứu, đây cũng được coi là yếu tố để xem xét người phạm tội gây thương tích dẫn đến chết người
Thứ ba, về vị trí tác động trên cơ thể của người bị tấn công:
- Tội giết người: Thường là những vị trí trọng yếu trên cơ thể như vùng đầu, ngực, bụng là những vùng có thể gây nguy hiểm ngay lập tức tới khả năng sinh tồn của con người.
- Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người: Thường là những vị trí không gây nguy hiểm chết người như vùng vai, tay, chân, v.v…
Thứ tư, về hung khí, vũ khí sử dụng:
Xác định hung khí, vũ khí sử dụng hoặc các tác nhân khác: Việc xác định vũ khí, hung khí tấn công như súng, dao, gậy…cũng là yếu tố quan trọng nhằm phân biệt hai tội này.
- Tội giết người: Các vũ khí sử dụng có tính chất nguy hiểm cao: Súng, lựu đạn, bom, mìn, dao, búa, gậy gộc, … hoặc các tác nhân gây chết khác như thuốc độc, điện …
- Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người: Hung khí ít nguy hiểm hơn khó gây chết người hơn
Chưa có quy định cụ thể nào về khái niệm của “hung khí nguy hiểm”, nhưng có thể hiểu khái quát về “hung khí nguy hiểm” như sau: là những công cụ, phương tiện mà tội phạm sử dụng ngoài việc gây thương tích còn có nguy cơ gây thiệt hại cho tính mạng nạn nhân. Tức là “hung khí nguy hiểm” phụ thuộc vào mục đích phạm tội, mức độ thương tích nhiều hơn là tên gọi của hung khí mà bình thường hay nghĩ đến.
VD: Chiếc bút bi thông thường chỉ là vật dụng, nhưng nếu khi có mục đích phạm tội lấy bút đi đâm vào những vùng trọng yếu thì thương tích gây ra có thể rất nặng, như đâm vào mắt (có thể làm mù mắt) hoặc đâm vào tim. Trong những trường hợp trên thì bút bi cũng được coi là hung khí nguy hiểm.
Thứ năm, về lỗi: đều thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội
- Tội giết người:
Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý về hành vi và hậu quả.
Người thực hiện hành vi có lỗi cố ý đối với hậu quả chết người. Thông thường được biểu hiện ở 03 mức độ sau:
– Người thực hiện hành vi phạm tội thấy trước được hậu quả chết người tất yếu xảy ra và mong muốn cho hậu quả chết người xảy ra. Biểu hiện: chuẩn bị hung khí, theo dõi nạn nhân, có kế hoạch che giấu tội phạm, v.v…
– Người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra và mong muốn nó xảy ra nhưng không chắc chắn.
– Người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra, không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra. Họ chấp nhận để cho việc chết người xảy ra.
- Tội cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người:
Đây là trường hợp người phạm tội chỉ cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của nạn nhân, nhưng chẳng may nạn nhân bị chết, cái chết của nạn nhân là ngoài ý muốn của người phạm tội. Hậu quả chết người xảy ra là vì những thương tích do hành vi của người phạm tội gây ra.
Người thực hiện hành vi có lỗi vô ý đối với hậu quả chết người. Thông thường được biểu hiện như sau:
– Người phạm tội thấy trước được hậu quả có thể chết người nhưng cho rằng nó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
– Người phạm tội không thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước hậu quả đó
Lưu ý: với trường hợp người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng bỏ mặc cho hậu quả ra sao cũng được thì phải dựa vào hậu quả để định tội danh:
– Nếu hậu quả là chết người thì tội danh là “Giết người”
– Nếu hậu quả là gây thương tích thì tội danh là “Cố ý gây thương tích”
Thứ sáu, về hậu quả:
- Tội giết người: Thông thường các hành vi nêu trên thường gây hậu quả trực tiếp là làm chết người. Nhưng hậu quả là chết người không bắt buộc phải xảy ra, chỉ cần hành vi mà người phạm tội đã thực hiện có mục đích làm chấm dứt sự sống của người khác thì đều được coi là cấu thành tội giết người cho dù hậu quả chết người có xảy ra hay không. Phần lớn các trường hợp giết người thì nạn nhân thường tử vong ngay sau khi thực hiện hành vi phạm tội, hoặc ngay sau đó vài tiếng như vậy thể hiện được sự quyết liệt, mong muốn thực hiện hành vi đến cùng về tội giết người. Tuy nhiên một số trường hợp khác, mặc dù có dung vũ lực đối với nạn nhân nhưng không gây hậu quả trực tiếp làm nạn nhân chết mà chỉ có tác dụng đẩy nạn nhân vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và chết (như xô đổ nạn nhân xuống sông và bỏ mặc cho đến chết, hoặc đạp nạn nhân ra đường có nhiều xe ô tô chạy dẫn đến bị xe đâm chết …) thì vẫn phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người nếu chứng minh được người thực hiện hành vi đó với mục đích giết người. Và hậu quả chết người là hậu quả gián tiếp của hành vi đó.
- Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người: bắt buộc phải để lại hậu quả chết người thì mới có căn cứ định tội cố ý gây thương thích gây hậu quả chết người dù thời gian sau khi cố ý gây thương tích thường dài, từ vài tiếng, vài ngày trở lên thì nạn nhân mới tử vong thì vẫn coi là cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.
Bình luận về vụ án trên:
Khi xác định tội danh “Giết người” hay “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”, cần cân nhắc việc căn cứ vào hành vi phạm tội (tác động vào những vị trí trọng yếu của cơ thể; tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) và căn cứ vào ý chí chủ quan của người phạm tội (người phạm tội có ý định tước đoạt tính mạng của người khác hay không? hay chỉ mong muốn gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho người khác) cũng như mối quan hệ duy vật biện chứng giữa ý chí và hành vi, giữa hành vi và hậu quả để xác định tội danh có tính thuyết phục nhất.
Trong trường hợp này, bị cáo A thực hiện hành vi bằng tay không mà không dùng hung khí, thực hiện các hành vi như đấm vào đầu ông K 2 cái mặc dù đầu là vị trí trọng yếu (tương tự như với hành vi cố ý gây thương tích), hơn nữa, trong hoàn cảnh phạm tội là do ông K giơ nắm đấm thách thức bị cáo A. Như vậy, trong ý chí của A lúc đó chỉ muốn dằn mặt, cảnh cáo ông K chứ không hề muốn tước đoạt tính mạng của ông K. Hơn nữa trong ý thức của bị cáo A không không thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra và không mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Nên theo quan điểm của tác giả thì bị cáo A phạm tội “cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người”.