Trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để mở được tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, các nhà đầu tư đã phải chi rất nhiều chi phí để thực hiện chuẩn bị đầu tư: chi phí tìm địa điểm, chi phí thuê văn phòng, chi phí tư vấn, chi phí thành lập doanh nghiệp… Pháp luật Việt Nam cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được chuyển tiền đầu tư vào Việt Nam trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Luật sư CMA tư vấn như sau:
I/ CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Luật Đầu tư năm 2020
- Thông tư 06/2019/TT-NHNN
II/ LUẬT SƯ CMA TƯ VẤN
- Tài khoản dùng để chuyển tiền đầu tư trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 06/2019/TT-NHNN: “Trước khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ký kết hợp đồng PPP, nhà đầu tư nước ngoài được phép chuyển tiền từ nước ngoài hoặc từ tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài đó mở tại ngân hàng được phép tại Việt Nam để thanh toán các chi phí hợp pháp trong giai đoạn thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam.”
Nhà đầu tư nước ngoài được phép chuyển tiền để thực hiện chuẩn bị đầu tư như sau:
- Chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam.
- Chuyển từ tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài đó mở tại ngân hàng được phép tại Việt Nam.
Như vậy, luật sư CMA tư vấn theo quy định tại Thông tư số 06/2019/TT-NHNN, nhà đầu tư nước ngoài được phép chuyển tiền trực tiếp từ nước ngoài để thanh toán các chi phí hợp pháp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư mà không cần thực hiện qua tài khoản thanh toán của nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trước thời điểm Thông tư số 06/2019/TT-NHNN có hiệu lực (ngày 6/9/2019), việc nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền trực tiếp cho bên cung cấp hàng hóa dịch vụ để thanh toán các chi phí hợp pháp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư mà không thông qua tài khoản thanh toán của nhà đầu tư nước ngoài đó mở tại ngân hàng được phép tại Việt Nam là không phù hợp với quy định tại Thông tư số 19/2014/TT-NHNN.
- Xử lý số tiền đã chuyển vào Việt Nam sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc không được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ký kết hợp đồng PPP, số tiền nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển vào Việt Nam để thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư được sử dụng để:
- Chuyển một phần hoặc toàn bộ thành vốn góp;
- Chuyển một phần hoặc toàn bộ thành vốn vay nước ngoài của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trường hợp chuyển thành khoản vay nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tuân thủ quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp. Thời hạn của khoản vay nước ngoài được tính từ ngày dự án được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ký kết hợp đồng PPP hoặc ngày mà các bên ký thỏa thuận vay nước ngoài (tùy thuộc vào ngày nào đến sau) đến ngày trả nợ cuối cùng;
- Chuyển trả cho nhà đầu tư nước ngoài bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam số tiền đã chuyển vào Việt Nam để thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư sau khi đã trừ đi các chi phí hợp pháp liên quan đến hoạt động chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam.
Trường hợp không được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hoặc không tiếp tục thực hiện dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài số tiền còn lại bằng ngoại tệ hoặc được mua ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài đối với số tiền đã chuyển vào Việt Nam và tiền lãi phát sinh (nếu có) sau khi trừ đi các chi phí hợp pháp liên quan đến hoạt động chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam.