- Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật Lao động 2012;
– Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015;
– Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
– Nghị định số 39/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
- Luật sư tư vấn
2.1. Khái niệm
Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động hoặc người học nghề, tập nghề và thử việc.
Tai nạn lao động làm chết người là tai nạn lao động mà người lao động bị chết thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chết tại nơi xảy ra tai nạn;
- Chết trên đường đi cấp cứu hoặc trong thời gian cấp cứu;
- Chết trong thời gian Điều trị hoặc chết do tái phát của vết thương do tai nạn lao động gây ra theo kết luận tại biên bản giám định pháp y;
- Người lao động được tuyên bố chết theo kết luận của Tòa án đối với trường hợp mất tích.
2.2 Trách nhiệm của người sử dụng với cơ quan Nhà nước
Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động chết người, người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn phải khai báo tai nạn lao động một các nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) với Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Phòng.
Hình thức: Công văn khai báo tai nạn lao động kèm theo biên bản lời khai, bản tường trình của người chứng kiến, biết đến sự việc. Mẫu văn bản khai báo được đính kèm tại Nghị định số 39/2016/NĐ-CP.
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận:
- Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Phòng.
- Cơ quan Công an huyện, quận, thị xã thuộc Hải Phòng.
2.3. Trách nhiệm của người sử dụng lao động với người lao động bị chết
Đối với người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội, trong trường hợp bị tai nạn lao động chết, thì ngoài các khoản bồi thường, chi trả quyền lợi của người sử dụng lao động (công ty) còn được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, tai nạn lao động.
Tuy nhiên, trong trường hợp người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội gồm:
a. Người lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không được tham gia;
b. Người lao động không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thuộc trường hợp: i) Do loại hợp đồng không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; ii) Do người lao động cao tuổi đã đủ tuổi nghỉ hưu không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong trường hợp này, có quan điểm khác nhau như sau:
Quan điểm thứ nhất, người sử dụng lao động không có trách nhiệm chi trả các quyền lợi theo chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động do Bộ luật lao động không có quy định nghĩa vụ này cho người sử dụng lao động.
Quan điểm thứ hai, cho rằng trong trường hợp người sử dụng lao động đã chi trả các khoản tiền tương ứng với số tiền tham gia bảo hiểm xã hội vào kỳ lương hàng tháng cho người lao động thì sẽ không phải chi trả các quyền lợi theo chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động bị tai nạn lao động chết. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật về lao động thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ chi trả đồng thời số tiền tương ứng khoản tiền tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động cùng kỳ lương hàng tháng. Trường hợp người sử dụng lao động đã thực hiện nghĩa vụ này, tức là đã chi trả trước rủi ro cho người lao động (nếu có) thì sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ đó khi rủi ro xảy ra. Trong trường hợp, người sử dụng lao động không chi trả các khoản tiền này hoặc thuộc trường hợp thứ nhất thì người sử dụng lao động sẽ phải trả các quyền lợi sau đây cho người lao động bị tai nạn lao động chết, cụ thể:
Thứ nhất, thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cấp, cấp cứu, điều trị đến khi người lao động chết.
Thứ hai, chi trả khoản bồi thường thiệt hại cho thân nhân người lao động bị tai nạn lao động chết, cụ thể:
- Nếu do lỗi của người lao động: Mức bồi thường thấp nhất bằng 12 tháng lương theo hợp đồng lao động.
- Nếu không có lỗi của người lao động: Mức bồi thường thấp nhất bằng 30 tháng lương theo hợp đồng lao động.
- Thời điểm: Trong thời hạn 05 ngày sau khi đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản tai nạn lao động chết người.
- Tiền lương cơ sở tính các quyền lợi là: Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo lương chi trả định kỳ cho người lao động.
Thứ ba, chi trả trợ cấp một lần khi chết cho nhân thân nhân người lao động bị tai nạn lao động chết: Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động chết. Mức lương cơ sở tại thời điểm hiện tại là 1.490.000 đồng.
Thứ tư, chi trả chế độ tử tuất theo Luật bảo hiểm xã hội 2014:
- Trợ cấp mai táng: 10 lần mức lương cơ sở tại thời điểm người lao động chết.
- Trợ cấp tuất hàng tháng: Đối tượng được hưởng bao gồm:
a. Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;
b. Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c. Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;
d. Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Người quy định tại điểm b, c, d phải không có thu nhập hoặc thu nhập dưới mức lương cơ sở. Tổng số số người được trợ cấp không vượt quá 04 người. Mức trợ cấp (Điều 68 Luật bảo hiểm xã hội): 50% lương cơ sở trong trường hợp còn người nuôi dưỡng, 70% trong trường hợp không còn người nuôi dưỡng khác.
- Trợ cấp tuất 1 lần: Trường hợp không muốn hưởng trợ cấp tuất tháng hoặc không có người đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất tháng thì phải trả trợ cấp tuất 1 lần, cụ thể: Mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho các năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi; mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
_______________
Tư vấn Luật sư vui lòng liên hệ:
Công ty Luật CMA
Hotline: 0986.057.998 & 0944.296.698
Email: CongtyluatCMA@gmail.com
Luật sư – Tư vấn – Tranh tụng – Sở hữu trí tuệ