- Căn cứ pháp lý.
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
- Bộ luật dân sự năm 2015.
- Nghị định 126/2014/NĐ-CP.
- Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.
2. Nội dung.
a) Nguyên tắc chung.
Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Tuy nhiên, chế độ tài sản của vợ chồng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc chung là:
– Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
– Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
– Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.
– Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.
– Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình: i)Nếu vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó; ii) Nếu vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình.
b) Nội dung cơ bản thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng.
– Vợ chồng có thể thỏa thuận về chế độ tài sản theo một trong những nội dung sau: i) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; ii) Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung; iii) Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó; iv) Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.
– Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
– Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
Vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
c) Hình thức.
Nếu hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
d) Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu.
– Trường hợp thỏa thuận vô hiệu: i) Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan; ii) Vi phạm một trong các nguyên tắc chung; iii) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.
– Quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu: i) Vợ, chồng hoặc vợ chồng đã thỏa thuận về chế độ tài sản; ii) Người bị xâm phạm, người giám hộ của người bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp do có thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng.
– Thủ tục: Trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. i)Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng. ii) Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần nội dung bị vô hiệu thì các quy định tương ứng về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.
Dịch vụ về Hôn nhân gia đình tại Hải Phòng của CMA:
- Với đội ngũ luật sư có kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và cùng khách hàng giải quyết những vướng mắc;
- Tư vấn miễn phí các vấn đề, hỏi đáp pháp lý liên quan tới việc kết hôn, ly hôn, thỏa thuận tài sản của vợ chồng nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng;
- Soạn thảo, hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ đáp ứng các yêu cầu của khách hàng liên quan tới vấn đề kết hôn, ly hôn, tranh chấp tài sản vợ chồng tại Hải Phòng;
- Đại diện nộp hồ sơ, giấy tờ tại Hải Phòng theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
- Tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích theo yêu cầu.