I. Cơ sở pháp lý
- Luật thương mại năm 2005
- Nghị định số 07/2016/NĐ-CP
- Thông tư số 11/2016/TT-BCT
II. Luật sư tư vấn
- Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài là gì?
Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép.
a. Quyền của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài
– Hoạt động đúng mục đích, phạm vi và thời hạn được quy định trong giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.
– Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Văn phòng đại diện.
– Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của Văn phòng đại diện.
– Có con dấu mang tên Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
b. Nghĩa vụ của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài
– Không được thực hiện hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam.
– Chỉ được thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong phạm vi mà Luật Thương mại cho phép.
– Không được giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết của thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp Trưởng Văn phòng đại diện có giấy uỷ quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài hoặc các trường hợp khác thuộc quyền của văn phòng đại diện do pháp luật quy định.
– Nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Báo cáo hoạt động của Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
c. Một số lưu ý về quyền của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài
– Văn phòng đại diện của thương nhân không được khuyến mại hoặc thuê thương nhân khác thực hiện khuyến mại tại Việt Nam cho thương nhân mà mình đại diện.
– Văn phòng đại diện của thương nhân không được trực tiếp thực hiện hoạt động quảng cáo thương mại. Trong trường hợp được thương nhân ủy quyền, Văn phòng đại diện có quyền ký hợp đồng với thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại để thực hiện quảng cáo cho thương nhân mà mình đại diện.
– Văn phòng đại diện của thương nhân không được trực tiếp trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ của thương nhân do mình đại diện, trừ việc trưng bày, giới thiệu tại trụ sở của Văn phòng đại diện đó. Trong trường hợp được thương nhân ủy quyền, Văn phòng đại diện có quyền ký hợp đồng với thương nhân kinh doanh dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ để thực hiện trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ cho thương nhân mà mình đại diện.
- Điều kiện cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài
– Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
– Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký. Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;
– Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
– Trường hợp nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Văn phòng đại diện phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành.
- Thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Hải Phòng
– Sở Công Thương Thành phố Hải Phòng trong trường hợp thương nhân nước ngoài dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện tại Hải Phòng, không nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.
– Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (Ban quản lý) đối với trường hợp Văn phòng đại diện đặt trụ sở trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.
- Thời hạn Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài
– Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp giấy tờ đó có quy định về thời hạn.
- Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Hải Phòng
– Bước 1: Thương nhân nước ngoài chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo quy định
– Bước 2: Thương nhân nước ngoài nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Cơ quan cấp Giấy phép nơi dự kiến đặt Văn phòng đại diện.
– Bước 3: Sở Công thương; Ban quản lý xem xét hồ sơ, cấp hoặc không cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện; trong trường không cấp Giấy phép, Sở Công thương, Ban quản lý phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lí do.
– Bước 4: Thương nhân nước ngoài nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp hoặc đăng ký dịch vụ nhận kết quả qua bưu điện.
- Thành phần hồ sơ cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Hải Phòng
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại điện;
– Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài (phải được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận hoặc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam);
– Văn bản của thương nhân nước ngoài cử/ bổ nhiệm người đứng đầu Văn phòng đại diện;
– Bản sao hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (nếu là người Việt Nam) hoặc bản sao hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu Văn phòng đại diện;
– Tài liệu về địa diểm dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện bao gồm: – Bản sao biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận thuê địa điểm hoặc bản sao tài liệu chứng minh thương nhân có quyền khai thác, sử dụng địa điểm để đặt trụ sở Văn phòng đại diện. – Bản sao tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện về điều kiện an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh lao động và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
Dịch vụ lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Hải Phòng của CMA:
- Tư vấn miễn phí các vấn đề, hỏi đáp pháp lý liên quan tới việc lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Hải Phòng
- Soạn thảo, hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ đáp ứng các yêu cầu của cơ quan chức năng liên quan tới thủ tục lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Hải Phòng
- Đại diện nộp hồ sơ, bổ sung hồ sơ lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Hải Phòng theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
- Nhận kết quả và trả kết quả Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Hải Phòng trực tiếp cho khách hàng.
- Thời hạn giải quyết: trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.