- Căn cứ pháp lý
- Bộ luật lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành
- Luật an toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành
- Luật sư tư vấn:
Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, người học nghề, tập nghề, thử việc xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động hoặc trên đường từ nơi làm việc về nơi ở và ngược lại.
Theo quy định của pháp luật, khi người lao động bị tai nạn lao động thì sẽ được hưởng một số chế độ nhất định từ phía Công ty (người sử dụng lao động) hoặc/và Cơ quan bảo hiểm xã hội (trong trường hợp người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội).
Tuy nhiên, không phải bất kỳ trường hợp tai nạn trong quá trình lao động nào cũng được coi là tai nạn lao động và người lao động cũng được hưởng các chế độ liên quan tới tai nạn lao động.
Tại khoản điều 11 Thông tư số 26/2017/TT-BLDTBXH quy định các trường hợp không được hưởng chế độ tai nạn lao động cụ thể như sau:
Thứ nhất, tai nạn do các yếu tố bệnh lý trong quá trình lao động thì căn cứ kết quả điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động sau khi được thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt để giải quyết chế độ cho người lao động. Trong trường hợp người lao động bị tai nạn, tử vong do vấn đề bệnh lý trong quá trình lao động mà không xuất phát từ nguyên nhân chính là do thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động thì không được coi là tai nạn lao động. Ví dụ: Người lao động tại nơi làm việc bị đột quỵ do tiền sử bệnh nền trước đó mặc dù điều kiện lao động bình thường. Tuy nhiên, nếu người lao động có bệnh nền trước đó, vì yếu tố điều kiện, môi trường làm việc, tính chất công việc làm phát bệnh nền gây tổn thương cho người lao động thì được coi là tai nạn lao động. Để hạn chế tối đa các trường hợp tai nạn lao động có tính chất bệnh lý người sử dụng lao động cần quan tâm tới vấn đề khám sức khỏe của người lao động khi tuyển dụng.
Thứ hai, Tai nạn do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Ví dụ: Người lao động đánh nhau ở nơi làm việc. Trong trường hợp này, người lao động không những không được hưởng chế độ mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm thậm chí trách nhiệm hình sự khi các hành vi đủ cấu thành theo quy định của pháp luật hoặc bồi thường cho doanh nghiệp nêu gây thiệt hại.
Thứ ba, Tai nạn do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân. Trong trường hợp này, người lao động không những không được hưởng chế độ mà còn có thể phải bồi thường cho doanh nghiệp nêu gây thiệt hại cho tài sản hoặc uy tín của doanh nghiệp (người sử dụng lao động).
Thứ tư, Tai nạn do say rượu, bia hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành danh mục các chất ma túy và tiền chất và Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất hoặc chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, người lao động không những không được hưởng chế độ mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm thậm chí trách nhiệm hình sự khi các hành vi đủ cấu thành theo quy định của pháp luật hoặc bồi thường cho doanh nghiệp nêu gây thiệt hại.
Theo tinh thần chung của quy định này, thì trường hợp người lao động mặc dù có thương tích xảy ra trong quá trình lao động. Tuy nhiên, đây không được coi là tài nạn lao động bởi các thương tích này xuất phát từ yếu tố cố ý vi phạm của người lao động, biết trước kết quả. Đối với các trường hợp này, không những người lao động không được hưởng các chế độ liên quan tới tai nạn lao động, mà người lao động còn có thể bị truy cứu trách nhiệm tương ứng với hành vi của mình nếu có gây ra thiệt hại cho người khác hoặc cho tài sản, uy tín của doanh nghiệp (người sử dụng lao động).