Những năm gần đây cộng đồng mạng không khỏi rúng động trước những thương vụ giao dịch của những người chơi lan. Ngạc nhiên không chỉ bởi vẻ đẹp đa dạng, đặc sắc, mang nhiều giá trị nghệ thuật của lan cũng như chủ sở hữu, mà ngạc nhiên ở đây còn đến từ giá trị trao đổi kinh tế của những thương vụ bạc tỉ này. Không ít người sẽ có những “cảm nhận” sự bất thường trong các giao dịch này.
Chính lợi nhuận và độ “khủng” của các thương vụ, kích thức sự tò mò, ham muốn lợi nhuận của người khác dẫn đến tình trạng tìm kiếm, săn lùng lan đột biến để đầu tư, thương mại hoặc tung ra các sản phẩm tương tự để thương mại hoá. Sức nóng của thị trường cũng thúc đẩy các hành vi phạm tội núp bóng, chủ yếu sẽ tập trung vào các loại hình là: 1. Bán sai cây (hay theo ngôn ngữ dân gian hay gọi là “Treo đầu dê bán thịt chó”); 2. Gắn cây không phải lan đột biến vào gốc lan đột biến để đánh lừa người mua; 3. Rao bán với giá rẻ sau khi nhận được tiền thì không giao sản phẩm, cắt liên lạc, trốn tránh. Dưới góc độ pháp lý thì những hành vi này có dấu hiệu cấu thành của tội Lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc Lạm dụng tính nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản, cụ thể:
“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Thực tế cho thấy, mặc dù nghệ thuật và vẻ đẹp là vô giá tuy nhiên cơn sốt giá lan đột biến đang trở lên rất gay gắt trong thời gian gần đây. Cũng chính bởi lợi nhuận từ các vụ giao dịch quá lớn mà nhiều kẻ đã bất chấp lợi dụng mong muốn sư tầm lan đột biến của nhiều người để thực hiện có chiêu trò lừa đảo để hòng trục lợi từ người khác. Từ những hành vi quảng cáo trên mạng xã hội, đánh bóng tên tuổi, đầu tư nhà vườn để gây dựng lòng tin với người mua hàng. Và rồi mất công chăm sóc đến khi ra mặt hoa mới biết là mình bị lừa thì có thể kẻ xấu đã cắt đứt mọi thông tin liên lạc hoặc tìm cách trốn tránh. Chính vì thế không ai muốn mình bị thiệt nên sẽ kéo theo một đường dây lừa đảo người trước lừa bán cho người sau.
Theo như thông tin từ các hiệp hội như Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, cây lan đột biến chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là một giống lan chính thức được lưu hành trên thị trường. Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã có công văn gửi tới lãnh đạo hội sinh vật cảnh các địa phương về việc khuyến cáo mua bán lan đột biến. Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng đã có cảnh báo rằng nhiều hoạt động mua bán lan đột biến thời gian gần đây không có thật, chủ yếu là giao dịch ảo.
Tất cả nhưng vấn đề từ sự không ổn định trong di chuyền của lan đột biến, đến các cam kết bảo hành chất lượng của người bán, rồi tạo dựng giao dịch giả để đăng lên mạng thổi giá thị trường, gây các cơn sốt ảo,… Bên cạnh đó sự thiếu sót trong sự vào cuộc của các ngành chức năng để kiểm soát các vấn đề liên quan đến lan đột biến, tất cả đều mới chỉ dừng lại ở khâu khuyến cáo người tiêu dùng chưa có sự tác động thực sự vào thị trường này. Chính những lý do trên đã tạo tiền đề cho kẻ xấu khai thác để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Tất nhiên vấn đề đặt ra là vậy nhưng nếu muốn thay đổi thì cần phải có sự hợp tác của cả chính quyền lẫn người dân. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục chủ động vào cuộc theo chức năng phân công, tăng cường rà soát các quy định và phối hợp quản lý thị trường bảo đảm sự canh tranh lành mạnh và hoạt động minh bạch, công khai của thị trường, ngăn chặn các thông tin về giao dịch giả, gây nhiễu loạn thông tin thị trường và sự trục lợi trong tình trạng đó; rà soát các quy định về quản lý thuế để bảo đảm nghĩa vụ thuế; nhận diện và cảnh báo, có giải pháp thích ứng xử lý các mầm mống có thể tạo ra những rủi ro cho người dân và thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo đảm sự ổn định tài chính và trật tự xã hội. Những người chơi và kinh doanh lan cần tỉnh táo, có kinh nghiệm, kiến thức, thông tin, bản lĩnh và năng lực phản ứng thị trường. Đừng để sự đột biến giá lan đột biến trở thành nguyên nhân dẫn tới… đột quỵ và đột tử cho những ai bất chấp thực tại khách quan, thiếu hiểu biết, nhưng thừa khát vọng làm giàu nhanh, với sự cả tin và ảo vọng cao, sẵn sàng “vay tiền đánh nhanh, rút nhanh”, kiểu “lướt sóng” trên thị trường chứng khoán và ngoại hối, vô tình hay cố tình tự biến mình thành nạn nhân hoặc đồng phạm của các chiêu trò thổi giá, các cơn sốt ảo đậm mùi lừa đảo trên thương trường…!
Vậy, trong trường hợp người mua lan đột biến lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm thì phải xử lý như thế nào:
Bước 1: Tập hợp toàn bộ các chứng cứ giao dịch, cam kết, chuyển tiền giữa các bên, thông tin người bán…
Bước 2: Làm đơn tố giác nộp tại Cơ quan công an có thẩm quyền
Bước 3: Theo dõi, phối hợp với Cơ quan công an trong quá trình xác minh, xử lý, khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Tuy nhiên, đây chỉ là các biện pháp xử lý về mặt hành vi, còn hậu quả có khắc phục được hay không thì rất khó để khẳng định. Quan trọng hơn tất cả là người mua phải luôn bình tĩnh, tỉnh táo trong giao dịch, tự bảo vệ bản thân mình trước các giao dịch có nghi ngờ.