I. Căn cứ pháp lý
- Luật hôn nhân và gia đình 2014
- Luật đất đai 2013
II. Luật sư tư vấn
- Tài sản chung
Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy thì tài sản của vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân được chia làm 2 loại chính, đó là tài sản chung và tài sản riêng.
“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1.Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.”
=> Bên cạnh những loại tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, hoặc xác lập là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì đất đai được bố mẹ vợ/chồng tặng cho chung cũng được coi là tài sản chung. Việc bố mẹ vợ/chồng tặng cho đất phải được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực. Trong đó thể hiện rõ nội dung việc tặng cho là dành cho cả hai vợ chồng. Lúc này, miếng đất sẽ là tài sản chung, thuộc sở hữu chung của cả vợ và chồng.
Ở một tình huống khác, nếu bố mẹ chỉ tặng cho riêng con trai miếng đất. Nhưng sau đó, khi làm thủ tục sang tên sổ đỏ, người chồng vì lý do nào đó muốn người vợ đồng sở hữu miếng đất thì khi ấy miếng đất cũng là tài sản chung của vợ chồng.
Một khi miếng đất đã được xem là tài sản chung của vợ chồng thì mọi quyền quyết định vấn đề về sử dụng và định đoạt thuộc về cả 2 người. Mặt khác, nếu chẳng may cuộc hôn nhân có đổ vỡ, tòa án phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân cũng sẽ quyết định chia đôi miếng đất này vì là tài sản chung.
2. Tài sản riêng
“Điều 43. Tài sản riêng của vợ,chồng
1.Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Nếu trường hợp, bố mẹ vợ/chồng lập hợp đồng tặng cho miếng đất nhưng trong đó chỉ nêu rằng tặng cho 1 mình người vợ/chồng thì đây được xem là tài sản riêng của người đó. Người còn lại sẽ không có quyền đồng sở hữu miếng đất được tặng cho. Và khi chẳng may ly hôn, miếng đất này cũng không thuộc đối tượng tài sản cần phải được phân chia.
3. Những lưu ý khi bố mẹ tặng cho con cái đất đai trong thời kỳ hôn nhân
Trong mọi mối quan hệ đều nên rõ ràng quan điểm với nhau. Vì có thể mất lòng trước nhưng sẽ tránh những rắc rối về sau. Một khi được bố mẹ vợ/chồng tặng cho miếng đất thì nên làm rõ:
- Thứ nhất là tặng cho ai: Tặng riêng cho con trai/con gái hay tặng cho cả 2 vợ chồng? Việc này rất quan trọng bởi nếu không xác định rõ ràng, có thể sẽ làm dấy lên những mâu thuẫn, bất hòa giữa vợ chồng. Về mặt pháp luật, ý chí của bố mẹ khi tặng cho là yếu tố then chốt xác nhận xem ai là người có quyền sở hữu miếng đất.
- Thứ hai, việc tặng cho cần phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực. Pháp luật về đất đai hiện hành quy định, nếu bố mẹ tặng cho con cái đất đai thì phải lập văn bản và công chứng tại các cơ quan có thẩm quyền. Việc tặng cho chỉ nói bằng miệng thôi thì chưa đủ căn cứ pháp lý xác lập quyền sở hữu đối với miếng đất.