Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là vấn đề không còn lạ lẫm, bởi lẽ vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được giải quyết không trên cơ sở của hợp đồng dân sự (vì không có hợp đồng) mà chỉ giải quyết trên cơ sở của pháp luật quy định là thiệt hại thực tế đã gây ra.
Vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự về quan hệ bồi thường thiệt hại mà trước khi xảy ra thiệt hại, các bên chủ thể là bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại không có thoả thuận hoặc hợp đồng nào. Các bên nói trên vẫn có trách nhiệm với nhau trong việc bồi thường thiệt hại, trước sự kiện gây ra thiệt hại ngoài dự kiến. Cụ thể người gây thiệt hại là người duy nhất phải thực hiện trách nhiệm trước người bị hại và người bị hại có quyền yêu cầu người gây hại phải thực hiện những hành vi nhất định nhằm đảm bảo lợi ích của mình.
- Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1.1. Thiệt hại do “người” gây ra:
Người gây ra thiệt hại có thể là thể nhân hoặc pháp nhân. Quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 584 BLDS 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng này bao gồm:
- Có thiệt hại thực tế xảy ra.
- Có hành vi xâm phạn tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật được thể hiện ra bên ngoài bằng cách hành động hoặc không hành động.
- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm và thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra là tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
- Người có gây thiệt hại không phải bồi thường trong trường hợp thiệt hại phát sinh la do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên thiệt hại, trừ các trường hợp đặc biệt pháp luật có quy định khác (ví dụ: Thiệi hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra).
Yếu tố lỗi không ảnh hưởng nhiều trong việc căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng “lỗi” vẫn còn nguyên giá trị trong việc xem xét mức độ thiệt hại được bồi thường. Tuy nhiên, có trường hợp người gây ra thiệt hại có thể giảm mức bồi thường nếu lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng hoặc thiệt hại do lỗi vô ý mà gây thiệt hại thì không phải bồi thường.
So với quy định của BLDS 2005, phạm vi áp dụng của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người gây ra đã được mở rộng và pháp nhân được đối xử như cá nhân.
1.2. Thiệt hại do tài sản gây ra.
Chủ sở hữu có quyền năng: Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản của mình trên nguyên tắc tôn trọng cac quy định của pháp luật, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.
Các quyền của chủ sở hữu có thể được chuyển giao cho người khác thông qua các giao dịch dân sự hoặc quyết định hành chính. Việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào thực tế việc thực hiện các quyền của chủ sở hữu và người thực hiện các quyền đó. Ví dụ: Người thuê xe ô tô đi đường gây thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ của người khác, thiệt hại cho ô tô, thì bên cạnh việc bồi thường cho chủ sở hữu về tài sản còn phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
2. Trường hợp không phải bồi thường
Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do (1) sự kiện bất khả kháng hoặc (2) hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. (Khoản 2 Điều 584 BLDS 2015) Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này. (Khoản 3 Điều 584 BLDS 2015)
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. (Khoản 1 Điều 156 BLDS 2015) Sự kiện bất khả kháng có thể là những hiện tượng do thiên nhiên gây ra, như lũ lụt, hỏa hoạn, bão, động đất, sóng thần… Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng, “sự kiện bất khả kháng” cũng có thể là những hiện tượng xã hội như chiến tranh, bạo loạn, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của chính phủ… Tuy nhiên, cách hiểu và thừa nhận các hiện tượng xã hội có là “sự kiện bất khả kháng” là rất đa dạng và nhiều điểm chưa có sự thống nhất.
3. Nguyên tắc và năng lực bồi thường thiệt hại.
3.1. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại.
a) Tôn trọng thoả thuận không trái luật, đạo đức xã hội hoặc gây thiệt hại cho người thứ ba thụ động. Việc thoả thuận của các bên nhằm đảm bảo việc bồi thường được nhanh chóng, kịp thời, chính xác.
b) Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.
Khoản 1 Điều 585 BLDS 2015 khẳng định “thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời”. Bồi thường toàn bộ là nguyên tắc công bằng, hợp lí phù hợp với mục đích cũng như chức năng phục hồi của chế định pháp luật này. Theo đó, trong từng trường hợp cụ thể, thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản thiệt hại tương xứng.
Bồi thường kịp thời cho người bị thiệt hại nhằm khắc phục tình trạng của người bị thiệt hại, tạo điều kiện cho họ khắc phục tình trạng bị thiệt hại. Trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng một số hoặc biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của BLTTDS 2015 để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự.
c) Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường.
Theo khoản 2 Điều 585 BLDS 2015, “Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.”
Việc giải quyết mức bồi thường phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, mức độ lỗi của người bị thiệt hại, người gây ra thiệt hại. Người gây ra thiệt hại có thể được xem xét giảm mức bồi thường thiệt hại khi có đủ các căn cứ như: i) Không có lỗi hoặc lỗi vô ý gây thiệt hại; ii) Thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế. Được coi là thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế khi người gây thiệt hại chỉ có khả năng bồi thường tôi đa 1/2 thiệt hại tính bằng tiền. Tòa án sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định giảm mức bồi thường.
d) Mức bồi thường có thể thay đổi khi không còn phù hợp.
Nguyên tắc chung của việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là “thiệt hại được bồi thường toàn bộ theo thực tế”. Vì vậy, khi mức bồi thường các bên đã thoả thuận hoặc toà án quyết định không còn phù hợp thực tế (thường là giảm đi, không đủ cho các chi phí thực tế trong tương lai) thì người bị thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường bổ sung, tăng mức bồi thường thiệt hại. Việc không còn phù hợp thực tế của mức bồi thường có thể xuất phát từ các nguyên nhân:
- Có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện đó.
- Có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại cho nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với sự thay đổi đó.
- Có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại…
c) Người bị thiệt hại không được bồi thường nếu có lỗi.
Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. (Khoản 4 Điều 585 BLDS 2015)
e) Người bị thiệt hại không được bồi thường nếu cố ý không hạn chế tổn thất
Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình. Nếu không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lí để hạn chế thiệt hại mà mặc thiệt hai xảy ra thì bên có quyền và lợi ích hợp pháp sẽ không được bồi thường. (Theo khoản 5 Điều 585 BLDS 2015). Được coi là người bị thiệt hại vi phạm nghĩa vụ này khi có thể biết, nhìn thấy trước và có đủ điều kiện để ngăn chặn, hạn chế được thiệt hại nhưng đã để mặc thiệt hại xảy ra. Về tình trạng này của bên bị thiệt hại thì cần căn cứ vào từng tình huống, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
4. Năng lực bồi thường thiệt hại, xác định người phải bồi thường, tài sản dùng để bồi thường:
Người gây ra thiệt hại có thể là bất cứ chủ thể nào, tuy nhiên việc bồi thường thiệt hại phải do người có khả năng bồi thường và chính họ phải tham gia vào quan hệ nghĩa vụ, mặc dù hành vi gây ra thiệt hại có thể không do chính họ thực hiện.
Đối với trường hợp thiệt hại do người từ 18 tuổi trở lên gây ra thì phải tự chịu trách nhiệm bồi thường. Trong tố tụng thì họ sẽ là bị đơn dân sự.
Trường hợp người dưới 15 tuổi gây thiệt hại thì người phải bồi thường thiệt hại là cha mẹ. Tài sản dùng để bồi thường có thể là tài sản của người dưới 15 tuổi (nếu có tài sản riêng) ngược lại là tài sản của cha mẹ. Trong trường hợp này, cha mẹ của người dưới 18 tuổi là bị đơn dân sự.
Trường hợp người từ 15 đến dưới 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu tài sản không đủ để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Trong trường hợp này người gây thiệt hại là bị đơn dân sự, cha mẹ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp người chưa thành niên (dưới 18 tuổi), người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì lấy tài sản của người được giám hộ để bồi thường, trường hợp người được giám hộ không có tài sản thì lấy tài sản của người giám hộ để bồi thường trừ trường hợp người giám hộ chứng minh được họ không có lỗi gây thiệt hại. Trong trường hợp này, người giám hộ sẽ là bị đơn dân sự.
Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Cùng gây ra thiệt hại được hiểu là tổng hợp hành vi, lỗi của nhiều người diễn ra dưới các dạng khác nhau những giữa chúng có mối liên kết, tương hỗ và cùng gây ra thiệt hại cho đối tượng bị thiệt hại.
Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người (một người chỉ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình và hậu quả của hành vi đó); nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau. (Điều 587 BLDS 2015).
5. Thời hiệu khởi kiện:
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Thời hạn này được tính từ ngày xảy ra hành vi xâm phạm.
6. Nghĩa vụ chứng minh của các đương sự
Người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và phải có chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý, về thu nhập của người bị thiệt hại.
Người gây thiệt hại yêu cầu giảm mức bồi thường thiệt hại phải có tài liệu, chứng cứ về khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình không đủ để bồi thường toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đã xảy ra.
Người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại yêu cầu thay đổi mức bồi thường thiệt hại phải có đơn xin thay đổi mức bồi thường thiệt hại. Kèm theo đơn là các tài liệu, chứng cứ làm căn cứ cho việc xin thay đổi mức bồi thường thiệt hại.
Việc chứng minh không có lỗi thuộc nghĩa vụ của người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại không chỉ nhằm đảm bảo việc đền bù tổn thất đã gây ra mà còn giáo dục mọi người về ý thức tuân thủ pháp luật, bảo vệ tài sản, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Hậu quả của việc áp dụng trách nhiệm này luôn mang đến những bất lợi về tài sản của người gây ra thiệt hại để bù đắp những thiệt hại mà họ đã gây ra. Điều 46 BLHS 2015 quy định bồi thường thiệt hại là một trong các biện pháp tư pháp mà không quy định nó trong danh mục hình phạt chính hay phụ. Trong các quy định chung về nghĩa vụ không có các quy định cụ thể về cách tính thiệt hại.