Tình tiết “có tính chất côn đồ” là một trong các tình tiết năng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm d) khoản 1 điều 52 Bộ luật hình sự, là tình tiết tăng nặng định khung quy định tại các điều 123 (Tội giết người), điều 134 (tội cố ý gây thương tích), là một trong các tình tiết định tính quan trọng khi xem xét mức độ, hình phạt của người thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, chưa có văn bản chính thức định nghĩa, quy định thế nào được coi là “có tính chất côn đồ”. Vì vậy, trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử phụ thuộc nhiều vào đánh giá chủ quan của người tiến hành tố tụng.
Theo tinh thần hướng dẫn tại Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995, TANDTC giải thích về “Côn đồ” như sau: Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt…
Theo quy định của pháp luật và thực tế, hiện nay, việc đánh giá côn đồ là đánh giá tính chất của hành vi phạm tội cụ thể tại một thời điểm cụ thể không phụ thuộc nhiều vào nhân thân của người thực hiện hành vi phạm tội đó.
Đối với khái niệm “côn đồ” nói chung thì được quy định tại điểm c) khoản 1 điều 3 Bộ luật hình sự về nguyên tắc xử lý hành vi phạm tội hoặc tại khoản 1 điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP về nguyên tắc cho hưởng án treo. Thuật ngữ côn đồ quy định tại điểm này gồm con người côn đồ và hành vi côn đồ, được xem xét để xác định nguyên tắc xử lý, mức độ xử lý, hình thức xử lý không liên quan đến việc xác định tội danh. Còn tình tiết “có tính chất côn đồ” được dùng để xác định một tội danh cụ thể.
Một người bình thường có hành xử côn đồ trong cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, không đồng nghĩa với việc khi thực hiện hành vi phạm tội cụ thể là có tính chất côn đồ hoặc bị truy cứu trách nhiệm với tình tiết “có tính chất côn đồ” và ngược lại một người bình thường, hiền lành, có giáo dục, được đánh giá là kiềm chế tốt cảm xúc, tuy nhiên khi thực hiện hành vi phạm tội cụ thể lại quyết liệt, thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, truy sát đến cùng… “có tính chất côn đồ”.
Để đánh giá “tính chất côn đồ” theo quan điểm của tác giả cần được xem xét trên nhiều góc độ, gồm:
Thứ nhất, nguyên nhân, nguyên cớ dẫn đến sự việc phạm tội: Nguyên nhân, nguyên cớ là lý do người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội. Để đánh giá có tính chất côn đồ, cần phải xem xét đến các yếu tố tác động, hình thành nên nguyên nhân, tâm lý của người phạm tội tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, lý do phạm tội như: Hoàn cảnh phạm tội, lỗi của người bị hại …. Một người, vì lý nguyên cớ nhỏ nhặt ví dụ: Khi mua hàng bị cân thiếu hoặc bị đâm xe nhẹ người khác đã xin lỗi nhưng vẫn lao vào đấm, đá, dùng hung khí gây thương tích cho người khác. Thì đây, có thể được coi là một trong những yếu tố đánh giá xu hướng bạo lực, sẵn sàng sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, không cần biết hậu quả cho người khác, xã hội ra sao. Hành động có tính hống hách, bạo ngược, coi thường trật tự, kỷ cương, pháp luật, lợi ích của người khác.
Thứ hai, ý chí, ý thức, sự chuẩn bị của người thực hiện hành vi phạm tội: Người phạm tội có chuẩn bị điều kiện, công cụ, phương tiện, lựa chọn, tính toán thời điểm, thời gian, cách thức phạm tội hay không. Việc phạm tội có tính toán thể hiện quyết tâm phạn tội, mức độ nguy hiểm của tội phạm theo đó cũng nhiều hơn, hậu quả thường lớn hơn.
Thức ba, mức độ, cường độ tấn công: Hành vi phạm tội có tính chất côn đồ thì mức độ, cường độ tấn công sẽ nhanh, mạnh, liên tục, quyết liệt, bất chấp sự can ngăn, cản trở, thậm chí có thể có phản ứng, đe doạ, thách thức các hành vi cản trở xung quanh nhằm triệt tiêu sự ngăn cản để người phạm tội thực hiện được mục đích phạm tội. Đối với tội phạm có tính chất côn đồ thì việc dừng lại hành vi phạm tội thường là do các nguyên nhân khách quan tác động đến. Người phạm tội tấn công quyết liệt kể cả khi bị hại đã mất khả năng tự vệ, phản kháng.
Thứ tư, không gian, thời gian, địa điểm thực hiện hành vi phạm tội: Một người thực hiện hành vi phạm tội ban ngày, tại các địa điểm công cộng, trước sự chứng chiến của nhiều người thì tính chất phạm tội côn đồ được thể hiện rõ hơn so với các trường hợp khác.
Thứ năm, lỗi hoặc lời nói, hành động của bị hại trước khi trước khi người phạm tội có hành vi tấn công: Tuỳ theo mức độ lỗi của bị hại có phải là nguyên nhân, nguyên cớ để kích động người phạm tội có hành vi phạm tội hay không? Trường hợp, bị hại không có lỗi hoặc có lời nói, hành động thì cần phải đánh giá tính chất, mức độ của những lời lẽ, hành động, cử chỉ đó có kích thích hoặc đủ kích thích tinh thần với người phạm tội hay không? Tuỳ theo tính chất, mức độ lỗi của người bị hại để đánh giá mức độ kích động dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo. Đối với các trường hợp mức độ lỗi của bị hại lớn, là nguyên nhân chính phát sinh hành vi phạm tội thì lỗi này có thể triệt tiêu tính côn đồ của hành vi.
Thứ sáu, nhân thân của người phạm tội: Các yếu tố về độ tuổi, trình độ văn hoá, môi trường sống, nghề nghiệp có thể được xem xét để đánh giá mức độ kiểm soát, kiềm chế hành vi, tâm lý, thái độ của một người.