Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
spot_img
Trang chủDịch Vụ Sổ ĐỏNhững điều cần biết khi tiến hành thủ tục về Sổ Đỏ...

Những điều cần biết khi tiến hành thủ tục về Sổ Đỏ tại Bộ phận “một cửa”

Trước đây, khi chưa thực hiện cơ chế “một cửa”, công dân khi đến cơ quan hành chính nhà nước để giải quyết công việc phải đi qua đến nhiều phòng, ban hoặc đồng thời phải tiếp xúc với nhiều cán bộ, công chức. Thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa tốt.Nhiều địa phương còn tự ý đặt ra các thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà, tốn kém công sức, .. cho người dân. Nay, với việc triển khai cơ chế “một cửa” theo Quyết định số 181 của Thủ tướng Chính phủ, công dân có nhu cầu giải quyết công việc được chỉ phải đến duy nhất một nơi là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. 

“Một cửa” là cơ chế giải quyết công việc của tổ chức, công dân thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước từ tiếp nhận yêu cầu, hồ sơ đến trả lại kết quả thông qua một đầu mối là “bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” tại cơ quan hành chính nhà nước.

Cơ sở pháp lý:

  • Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;
  • Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ;

1 . Pháp luật quy định những hành vi nhân viên bộ phận một cửa không được làm

Theo Điều 5 Nghị định 61/2018/NĐ-CP quy định:

Cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại trụ sở Bộ phận Một cửa và tại cơ quan có thẩm quyền không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính;

b) Cản trở tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức nộp hồ sơ, nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật;

c) Cản trở hoặc ngăn chặn trái phép quá trình truyền, gửi, nhận dữ liệu điện tử; thay đổi, xóa, hủy, giả mạo, sao chép, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ nội dung dữ liệu thực hiện thủ tục hành chính;

d) Tiết lộ thông tin về hồ sơ, tài liệu và các thông tin liên quan đến bí mật của tổ chức, cá nhân hoặc sử dụng thông tin đó để trục lợi;

đ) Từ chối thực hiện, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính hoặc tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật;

e) Trực tiếp giao dịch, yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không thông qua Bộ phận Một cửa, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

g) Đùn đẩy trách nhiệm, thiếu hợp tác, thiếu công bằng, không khách quan, không đúng pháp luật trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính;

h) Ứng xử, giao tiếp không phù hợp với quy chế văn hóa công sở;

i) Các hành vi vi phạm pháp luật khác trong thực hiện công vụ.

2. Cán bộ, nhân viên bộ phận một cửa chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ một lần

Khoản 2 Điều 11 quy định trách nhiệm làm việc của công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa như sau:

a) Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính;

c) Hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính đầy đủ, rõ ràng, chính xác; trường hợp phải yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung một lần;

d) Tiếp nhận, giải quyết hoặc chuyển hồ sơ, theo dõi việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo quy định; cập nhật hồ sơ đã tiếp nhận vào phần mềm quản lý và cấp mã số hồ sơ thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân;

đ) Chủ động tham mưu, đề xuất sáng kiến cải tiến việc giải quyết thủ tục hành chính; kịp thời phát hiện, kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, thay đổi hoặc hủy bỏ, bãi bỏ các quy định về thủ tục hành chính trái pháp luật, không khả thi hoặc không phù hợp với tình hình thực tế của bộ, ngành, địa phương;

e) Mặc đồng phục hoặc trang phục ngành theo quy định, đeo Thẻ công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ;

g) Sinh hoạt chuyên môn, đảng, đoàn thể, bình xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật tại cơ quan đã cử đến Bộ phận Một cửa;

h) Thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan;

3. Khi nhân viên bộ phận một cửa vi phạm các quy định trên thì người thực hiện thủ tục hành chính có quyền khiếu nại về hành vi hành chính, quyết định hành chính

Khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại năm 2011 quy định:

“Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.”

Như vậy khi nhân viên bộ phận một cửa có các hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, yêu cầu bổ sung hơn một lần, yêu cầu bổ sung những giấy tờ không đúng quy định, … thì công dân có quyền khiếu nại hành vi hành chính, quyết định hành chính của nhân viên thực hiện hành vi, quyết định đó

Như vậy, cơ chế “một cửa” góp phần hạn chế, xoá bỏ tình trạng phiền nhiễu, bất hợp lý, chậm trễ, thiếu hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính, các quy trình, thủ tục rườm rà, cùng với tệ nạn quan liêu, hách dịch, thiếu ý thức trách nhiệm, tiêu cực của bộ phận cán bộ, công chức trong giải quyết công việc của tổ chức, công dân.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_img

Bài viết được quan tâm