Thứ tư, Tháng mười một 20, 2024
spot_img
Trang chủLuật sư Tư vấnLuật sư tư vấn Hình sựNguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự người chưa thành niên...

Nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội

Người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự là tội phạm. 

Xuất phát từ tính chất đặc biệt của chủ thể hành vi phạm tội, là người được đánh giá chung là có sự hiểu biết còn hạn chế về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. Vì vậy, Bộ luật hình sự quy định bổ sung, khác so với người thành niên phạm tội về: Nguyên tắc xử lý, áp dụng hình phạt.

Về nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội:

Căn cứ điều 90, 91 Bộ luật hình sự, thì nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội bao gồm:

a) Việc xử lý vì lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi, nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sữa chưa sai lầm, phát triển lành mạnh trở thành công dân có ích cho xã hội, không nhằm mục đích trừng phạt như người từ đủ 18 tuổi.

b) Có thể miễn trách nhiệm hình sự khi không đáp ứng điều kiện được miễn trách nhiệm quy định tại điều 29 Bộ luật hình sự, nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả và khi đáp ứng các điều kiện sau: 

–  Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: Tội phạm thực hiện thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng (có khung hình phạt đến 3 năm), phạm tội nghiêm trọng (có khung hình phạt đến 7 năm), trừ tội phạm được quy định tại các điều: Điều 134; Điều 141; Điều 171; Điều 248; Điều 249; Điều 250; Điều 251; Điều 252.

–  Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi: Tội phạm thực hiện là tội rất nghiêm trọng (có khung hình phạt đến 15 năm) quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự, trừ các tội quy định tại các điều 123; các khoản 4, 5 và khoản 6 Điều 134; Điều 141; Điều 142; Điều 150; Điều 151; Điều 171; Điều 248; Điều 249; Điều 250; Điều 251; Điều 252. 

Người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự phải bị áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục như: Khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

c) Chỉ áp dụng hình phạt khi các biện pháp “biện pháp Giám sát, giáo dục” (Khiển trách, Hòa giải tại cộng đồng, Giáo dục tại xã, phường, thị trấn) hoặc việc áp dụng “biện pháp Giáo dục tại trường giáo dưỡng” giáo dục, phòng ngừa không hiệu quả.

d) Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.

e) Hạn chế áp dụng hình phạt tù:Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

f) Mức án tuyên cho người dưới 18 tuổi nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

– Đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi: Nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt chung thân, tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm. Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất không quá 3/4.

– Đối với người từ đủ 14 đến dưới 16: Nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt chung thân, tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm. Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất không quá 1/2.

– Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội: (1) Người từ đủ 14 đến dưới 16 mức hình phạt không quá 1/3; (2) Người từ đủ 16 đến dưới 18 mức hình phạt không quá 1/2.

– Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt: (1) Người từ đủ 14 đến dưới 16 mức hình phạt không quá 1/3; (2) Người từ đủ 16 đến dưới 18 mức hình phạt không quá 1/2  mức hình phạt đã được xem xét áp dụng theo quy định tại điều 99, 100, 101 Bộ luật hình sự.

– Đối với trường hợp người chưa thành niên phạm nhiều tội: (1) Nếu hình phạt chung là cải tạo không giam giữ thì mức phạt cao nhất không quá 03 năm; (2) Nếu hình phạt chung là tù có thời hạn thì mức phạt cao nhất không quá 18 năm đối với người từ 16 đến dưới 18, không quá 12 năm đối với người từ đủ 14 đến dưới 16.

– Đối với trường hợp người chưa thành niên phạm tội có tội thực hiện trước khi đủ 16 tuổi, có tội thực hiện sau khi đủ 16 tuổi: (1) Nếu mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện trước khi người đó đủ 16 tuổi nặng hơn hoặc bằng mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện sau khi đủ 16 tuổi thì hình phạt chung không vượt quá 12 năm; (2) Nếu mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện sau khi người đó đủ 16 tuổi nặng mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện trước khi đủ 16 tuổi thì hình phạt chung không vượt quá 18 năm.

– Đối với trường hợp phạm nhiều tội, có tội trước khi 18 tuổi, có tuổi sau 18 tuổi: (1) Nếu hình phạt đối với tội được thực hiện trước khi 18 tuổi nặng hơn hoặc bằng mức hình phạt đối với mức hình phạt của tội thực hiện sau khi 18 tuổi thì hình phạt chung không quá 18 năm đối với người từ 16 đến dưới 18, không quá 12 năm đối với người từ 14 đến dưới 16; (2) Nếu mức hình phạt của tội thực hiện sau khi 18 tuổi nặng hơn mức hình phạt đối với tội thực hiện trước khi 18 tuổi thì hình phạt được tổng hợp chung như đối với người từ đủ 18 tuổi.

g) Không áp dụng hình phạt tiền với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi. Đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thì phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính trong trường hợp người đó có tài sản riêng, mức phạt tiền không quá 1/2 mức điều luật quy định.

h) Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

i) Án đã tuyên với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi không được tính là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm.

Các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên:

a) Cảnh cáo (k1 điều 98 Bộ luật hình sự):

Tính chất: Là loại giáo dục sâu sắc, gây ảnh hưởng lớn tới tinh thần.

– Điều kiện áp dụng: Phạm tội thuộc loại ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ tại Điều 51 Bộ luật hình sự.

b) Phạt tiền (điều 99 Bộ luật hình sự)

– Điều kiện áp dụng: Người chưa thành niên có độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, có thu nhập hoặc có tài sản riêng.

– Căn cứ vào tình chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm, tình hình tài chính của người chưa thành niên, sự biến động của giá cả.

– Mức phạt: không quá 1/2 mức phạt Bộ luật hình sự quy định.

c) Cải tạo không giam giữ (điều 100 Bộ luật hình sự)

– Điều kiện áp dụng: (1) Người chưa thành niên có độ tuôi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng; hoặc phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý; hoặc (2) Người từ đủ 14 -dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.

– Không bị khấu trừ thu nhập (nếu có).

– Thời hạn: Không quá 1/2 thời hạn mà điều luật quy định.

d) Tù có thời hạn (điều 101 Bộ luật hình sự)

– Điều kiện áp dụng: Phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, không đủ điều kiện áp dụng hình phạt khác nhẹ hơn.

– Mức hình phạt đối với người từ đủ 16 – dưới 18 tuổi:

Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình thì phạt tù không quá 18 năm tù.

Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là tù có thời hạn thì phạt tù không quá 3/4 mức phạt.

–  Mức hình phạt áp dụng với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi:

Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình thì phạt tù không quá 12 năm.

Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là tù có thời hạn thì phạt tù không quá 1/2 số năm phạt tù.

Xóa án tích:

– Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi;

(2) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;

(3) Người bị áp dụng biện pháp tư pháp

– Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xóa án tích nếu trong thời hạn 03 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_img

Bài viết được quan tâm