Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối của xã hội, nguyên nhân của nhiều gia đình tan vỡ. Nhìn nhận chung ở góc độ diện rộng thì hành vi bạo lực gia đình thường được thực hiện nhiều bởi Nam giới (người chồng). Trong các hành vi bạo lực gia đình có hành vi làm hư hỏng hoặc huỷ hoại tài sản.
Hành vi hủy hoại tài sản có thể hiểu là hành vi làm cho tài sản của người khác bị thiệt hại đến mức làm mất hẳn giá trị hoặc mất hẳn công năng, giá trị sử dụng hoặc bị tiêu hủy hoàn toàn.
Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, quy định:
“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Tái phạm nguy hiểm,
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Theo quy định của điều luật thì một người khi có hành vi làm huỷ hoại hoặc hư hỏng tài sản của người khác mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi đáp ứng các điều kiện về cấu thành tội phạm khác.
Như vậy, khi người chồng đập phá tài sản trong gia đình cần phải phân định rõ đó là tài chung của vợ chồng hay tài sản riêng.
Theo quy định tại điều 43 Luật hôn nhân và gia đình thì tài sản riêng bao gồm:
- Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;
- Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản được chia riêng trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân.
Như vậy, trong trường hợp xác định được đó là tài sản riêng của vợ/chồng thì người còn lại có hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đủ yếu tố cấu thành khác của điều luật.
Nếu trường hợp tài sản bị hư hỏng, huỷ hoại không phải là tài sản riêng mà là tài sản chung thì sẽ khó xử lý. Bởi theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng là tài sản chung hợp nhất. Trong trường hợp cần xem xét trách nhiệm thì cần phải xác định mức độ thiệt hại với phần tài sản của vợ/chồng bị thiệt hại. Trong khi đó, về việc phân chia tỷ lệ sở hữu, thiệt hại trong trường hợp này chưa có quy định pháp luật cụ thể. Đến nay, các quy định của pháp luật liên quan tới việc phân chia tài sản vợ chồng trong trường hợp có tranh chấp và việc phân chia tài sản cần phải căn cứ trên rất nhiều yếu tố để xác định mức độ hưởng của từng người.