Điều 82 Luật Đất đai năm 2024 quy định thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, không còn khả năng tiếp tục sử dụng .
I. Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất, tự nguyện trả lại đất
Khoản 1 Điều 82 Luật đất đai năm 2024 quy định các trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật gồm:
“a) Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất bị giải thể, phá sản hoặc bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật;
b) Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người nhận thừa kế sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản theo quy định của pháp luật về dân sự;
c) Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn sử dụng đất;
d) Thu hồi đất trong trường hợp chấm dứt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
đ) Thu hồi đất trong trường hợp đã bị thu hồi rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.”
Khoản 2 Điều 82 Luật đất đai năm 2024 quy định các trường hợp thu hồi đất do người sử sử dụng đất tự nguyện trả lại đất khi: “Người sử dụng đất giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất và có đơn tự nguyện trả lại đất.”
II. Căn cứ thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất, tự nguyện trả lại đất
Việc thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất, tự nguyện trả lại đất phải dựa trên căn cứ sau đây:
a) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã có hiệu lực pháp luật đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 82 Luật đất đai 2024;
b) Giấy chứng tử hoặc quyết định tuyên bố một người là đã chết theo quy định của pháp luật đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 82 Luật đất đai 2024;
c) Quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 82 Luật đất đai năm 2024;
d) Văn bản chấm dứt dự án đầu tư đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 82 Luật đất đai năm 2024;
đ) Văn bản thu hồi rừng đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 82 Luật đất đai năm 2024;
e) Văn bản trả lại đất của người sử dụng đất đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật đất đai năm 2024;
III. Tự nguyện trả lại đất, người sử dụng đất có được bồi thường không?
Từ 01/8/2024, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 101 Luật Đất đai 2024 và Khoản 4 Điều 35 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì người sử dụng đất tự nguyện trả thuộc trường hợp không được bồi thường về đất nhưng được UBND có thẩm quyền thành lập hội đồng định giá để xác định giá trị còn lại của tài sản và hoàn trả cho người trả lại đất nếu đáp ứng 03 điều kiện:
Đối với trường hợp người sử dụng đất giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất và có đơn tự nguyện trả lại đất quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Đất đai thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất chỉ xem xét trả lại giá trị tài sản gắn liền với đất nếu xét thấy việc thu hồi đất là cần thiết (1), không gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, trật tự công cộng (2) và người sử dụng đất có đơn đề nghị được Nhà nước trả lại giá trị tài sản gắn liền với đất (3). Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất thành lập Hội đồng định giá để xác định giá trị còn lại của tài sản và hoàn trả cho người trả lại đất.
(*) Hiện nay chưa có quy định cụ thể về tiêu chí “việc thu hồi đất là cần thiết” khi thu hồi đất do người sử dụng đất giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất.
Tuy nhiên, có thể áp dụng quy định tại Điều 79 Luật đất đai năm 2024 để đánh giá “việc thu hồi đất là cần thiết” như sau: Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa