Hiện nay, có nhiều thương hiệu, nhãn hàng trên thị trường đã trở lên quen thuộc tới mức khi nhắc tới trên thế giới cũng như ở Việt Nam có những thương hiệu mà nhắc đến tên hầu hết mọi người đều biết đến tên của của họ như: Google, Apple, Facebook,… Vậy những tiêu chí nào để đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng và quy định về bảo hộ đối với nhãn hiệu nổi tiếng được pháp luật nước ta ghi nhận như thế nào?
Khoản 20 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.”
Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định các Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng bao gồm:
- Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
- Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
- Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
- Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
- Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
- Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
- Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
- Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.
Phạm vi bảo hộ đối với nhãn hiệu nổi tiếng là rộng hơn so với nhãn hiệu thông thường nên khi đăng ký nhãn hiệu, quý khách hàng cần lưu ý tra cứu để tránh việc bị từ chối do trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu nổi tiếng.
- Nhãn hiệu không có khả năng phân biệt do có dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng
Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng.
- Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng
Hành vi sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.