Thứ tư, Tháng mười một 20, 2024
spot_img
Trang chủChưa phân loạiThay đổi, xoá thông tin cha trong giấy khai sinh

Thay đổi, xoá thông tin cha trong giấy khai sinh

Trên thực tế, nhiều trường hợp người cha phát hiện con không cùng huyết thống với mình hoặc người cha muốn nhận lại con ruột mặc dù đứa trẻ đã được đăng ký khai sinh với tên người cha khác, người mẹ sau khi ly hôn muốn xoá tên người cha trong giấy khai sinh của con…. Vậy pháp luật quy định như thế nào về vấn đề thay đổi, xóa thông tin cha trong giấy khai sinh cho con?

I. Cơ sở pháp lý

– Luật hộ tịch 2014

– Nghị định Nghị định 123/2015/NĐ-CP, nghị định quy định hướng dẫn luật hộ tịch 2014

– Thông tư 15/2015/TT-BTP hướng dẫn luật Hộ tịch

II. Luật sư CMA tư vấn

  1. Giấy khai sinh là gì?

Tại khoản 6 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 quy định:

“Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này.”

Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì phải điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.”

Con sinh ra trong thời hạn 60 ngày, cha mẹ, ông bà, người thân thích có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con

  1. Quy định về việc đổi thông tin cha, bỏ thông tin cha ra khỏi giấy khai sinh?

Trên thực tế, không ít những trường hợp cha mẹ muốn đổi thông tin cha hoặc bỏ thông tin cha ra khỏi giấy khai sinh của con. Nguyên nhân thì có nhiều lý do, có thể là do xác nhận lại quan hệ cha đẻ con đẻ, cũng có một vài trường hợp ly hôn xong người mẹ lại muốn bỏ thông tin cha ra khỏi giấy khai sinh của con để không còn liên quan đến nhau nữa….

Căn cứ theo khoản 10 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về khái niệm thay đổi hộ tịch như sau:

“Thay đổi hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thay đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân khi có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật dân sự hoặc thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký theo quy định của pháp luật.”

Theo quy định tại điều 26 và Mục 6 luật hộ tịch năm 2014, các trường hợp được thực hiện thay đổi hộ tịch bao gồm:

“- Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.

– Thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi.

– Thay đổi hộ tịch theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Như vậy, trường hợp muốn thay đổi, xoá thông tin cha khỏi giấy khai sinh thì chỉ được thực hiện khi có quyết định, bản án của Toà án về việc xác định cha, mẹ, con hoặc khi người con được nhận làm con nuôi của người khác và cha mẹ nuôi đổi thông tin cha trong giấy khai sinh.

Khi yêu cầu Toà án giải quyết việc vụ việc xác định cha, mẹ con làm căn cứ thay đổi, xoá thông tin cha trong giấy khai sinh, người cha hoặc người có yêu cầu phải cung cấp được chứng cứ chứng minh như kết luận giám định về y học ADN hoặc yêu cầu toà án tiến hành trưng cầu giám định theo hướng dẫn tại khoản b Điều 5 của Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

“Theo quy định tại khoản 2 Điều 63 và Điều 64, khi có người yêu cầu Toà án xác định một người nào đó là con của họ hay không phải là con của họ thì phải có chứng cứ; do đó về nguyên tắc người có yêu cầu phải cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết thì phải giám định gien. Người có yêu cầu giám định gien phải nộp lệ phí giám định gien.”

  1. Thủ tục thay đổi, xoá thông tin cha trong giấy khai sinh:

Về cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc thay đổi, xoá thông tin cha trong giấy khai sinh:

Trường hợp con chưa đủ 14 tuổi thì thẩm quyền thuộc về Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi đăng ký hộ tịch trước đây hoặc UBND cấp xã nơi cư trú.

Trường hợp con trên 14 tuổi thì thẩm quyền thuộc về UBND cấp huyện nơi đăng ký hộ tịch trước đây hoặc UBND cấp huyện nơi cư trú.

Về hồ sơ: Người làm thủ tục thay đổi, xoá thông tin cha trong giấy khai sinh cần nộp các giấy tờ, tài liệu sau đây:

  • Tờ khai đăng ký thay đổi hộ tịch theo mẫu số 15 ban hành kèm thông tư 15/2015/TT-BTP;
  • Bản gốc Giấy khai sinh của con;
  • Quyết định, bản án của tòa án về việc xác định cha con hoặc các giấy tờ nhận con nuôi theo quy định;
  • Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân;
  • Giấy xác nhận thông tin cư trú.

Về trình tự thủ tục thực hiện

Người có yêu cầu đăng ký việc thay đổi, xoá thông tin cha trong giấy khai sinh nộp 01 bộ hồ sơ đến phòng tiếp nhận và trả kết quả UBND cấp có thẩm quyền.

Khi nhận được hồ sơ công chức tư pháp – hộ tịch có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ , nếu việc yêu cầu thay đổi hộ tịch đủ điều kiện theo quy định của luật và hồ sơ đầy đủ hợp lệ thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch , ghi nội dung thay đổi vào Giấy khai sinh ; cấp trích lục cho người yêu cầu thay đổi cải chính hộ tịch.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_img

Bài viết được quan tâm