Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024
spot_img
Trang chủLuật sư Tư vấnLuật sư tư vấn Hợp đồngPhạt vi phạm hợp đồng theo luật dân sự và luật thương...

Phạt vi phạm hợp đồng theo luật dân sự và luật thương mại

  1. Chế tài phạt vi phạm.

Theo quy định Điều 418 của Bô luật dân sự 2015, có quy định rõ về thỏa thuận phạt vi phạm. Theo đó, phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Theo tinh thần của BLDS thì mức phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự không bị khống chế, mà hoàn toàn tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, một số thỏa thuận theo từng lĩnh vực cụ thể như hợp đồng thương mại, lại có quy định khác với BLDS.

2. Đặc điểm của chế tài phạt vi phạm.

Phạt vi phạm không phải là một chế tài đương nhiên được áp dụng. Xuất phát từ tính đặt thù của loại chế tài này, Bộ luật dân sự quy định rõ để có thể yêu cầu phạt vi phạm thì phải có thoả thuận. Điều đó có nghĩa, khi soạn thảo hợp đồng các bên phải dự liệu trước được các hành vi vi phạm trong tương lai, ảnh hưởng, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm để từ đó xác định ứng xử cần thiết và chế tài phạt vi phạm tương ứng, một cách phù hợp.

Khác với bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, chế tài phạt vi phạm hợp đồng có mục đích chủ yếu là trừng phạt, tác động vào ý thức của các chủ thể, bảo vệ quyền lợi ích cả các bên chủ thể; là trách nhiệm pháp lí nhằm nâng cao ý thức thực hiện hợp đồng, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, phòng ngừa vi phạm hợp đồng. Với mục đích như vậy, phạt vi phạm được áp dụng một cách phổ biến đối với các vi phạm hợp đồng.

Theo khoản 2, khoản 3 Điều 418 BLDS, mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại, hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm chỉ phải chịu phạt vi phạm.

3. Chế tài phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại.

Trước hết, cần phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại, ta có thể hiểu như sau:

  • Hợp đồng thương mại là hợp đồng được ký kết giữa các bên có đăng ký kinh doanh và nhằm mục đích lợi nhuận.
  • Hợp đồng dân sự là hợp đồng được ký kết giữa bất kì cá nhân, tổ chức nào và không nhằm mục đích lợi nhuận.

Cụ thể, về chế tài phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại, theo quy định tại Điều 301 Luật Thương mại 2005 thì mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận nhưng tổng mức phạt không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp vi phạm hợp đồng dịch vụ giám định. Đối với trường hợp phạt vi phạm trong trường hợp kết luận giám định sai thì mức phạt vi phạm hợp đồng do các bên thoả thuận nhưng không vượt quá 10 lần thù lao dịch vụ giám định. Bên cạnh đó, Điều 307 Luật Thương mại 2005 quy định: “1. Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. 2. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.

Tuy nhiên, đối với các hợp đồng dân sự như: hợp đồng cho vay tài sản, hợp đồng cho thuê nhà, hợp đồng mua bán nhà ở… thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự, cụ thể được quy định tại Điều 418. Theo đó, mức phạt vi phạm được các bên thỏa thuận, do vậy, mức phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự không bị khống chế mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên.

4. Một số ý kiến cá nhân về các quy định của pháp luật về chế tài phạt vi phạm.

So với quy định của BLDS 2015, quy định của Luật thương mại năm 2005 có sự khác biệt. Cụ thể, BLDS yêu cầu bên bị vi phạm nếu muốn được áp dụng đồng thời hai chế tài cả phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại thì cần có sự thỏa thuận là áp dụng đồng thời hai chế tài. Tức là vừa phải có thỏa thuận phạt vi phạm, vừa phải có thỏa thuận áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại thì mới có thể áp dụng đồng thời.

Trong khi đó, theo khoản 2 Điều 307 Luật Thương mại 2005 thì chỉ cần có thỏa thuận về phạt vi phạm mà không cần thỏa thuận về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, bên bị vi phạm vẫn có thể có quyền áp dụng đồng thời cả hai chế tài. Quy định này được coi là phù hợp và khắc phục được vấn đề được đặt ra trong quy định về chế tài phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại, khi mức thỏa thuận phạt vi phạm không được vượt quá 8% so với giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Tuy nhiên, quyền áp dụng hai chế tài của bên bị vi phạm phải được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, tránh xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bên còn lại.

Có thể thấy, các văn bản luật chuyên ngành có chung nội dung liên quan chưa đồng nhất quy định của BLDS 2015. Cũng có thể nói, các văn bản pháp luật chuyên ngành, quy định cụ thể và rõ ràng hơn trong lĩnh vực mà luật đó điều chỉnh. Vì các quy định của Bộ luật dân sự là văn bản “gốc”, chung nhất làm cơ sở để xây dựng các văn bản luật chuyên ngành khác, thiết thấy cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành phù hợp với các quy định của BLDS 2015 để bảo đảm tính đồng bộ, thuận lợi cho các bên tham gia vào quan hệ theo từng lĩnh vực.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_img

Bài viết được quan tâm