Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
spot_img

Tranh chấp nuôi con khi ly hôn

Con cái là “tài sản vô giá” và tình cảm cha/mẹ với con là thiêng liêng. Vì vậy, khi ly hôn việc giành quyền nuôi con khi ly hôn giữa hai vợ chồng là chuyện thường thấy. Vậy: Pháp luật quy định thế nào về quyền nuôi con sau khi ly hôn? Điều kiện thế nào để được nuôi con sau khi ly hôn? Xu hướng giải quyết của tòa án với vấn đề tranh chấp nuôi con khi ly hôn như thế nào? ….

  1. Quyền nuôi con khác gì trước và sau khi ly hôn

a. Những điểm GIỐNG nhau về quyền nuôi con trước và sau khi ly hôn:

Theo quy định tại khoản 1 điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì sau khi ly hôn cha mẹ vẫn có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, bao gồm:

  • Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
  • Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
  • Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
  • Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
  • Bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra.
  • Quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi hoặc con mất năng lực hành vi dân sự.
  • Định đoạt tài sản riêng của con dưới 15 tuổi vì lợi ích của con, đối với trường hợp con từ 09 tuổi phải có ý kiến của con, trường hợp con từ 15 đến dưới 18 tuổi việc định đoạt tài sản do con quyết định nhưng phải được sự đồng ý của cha mẹ.

b. Những điểm KHÁC nhau về quyền nuôi con trước và sau khi ly hôn:

Về quy định chung các quyền pháp lý của cha/mẹ sau khi ly hôn với con chung không có điểm khác nhau như đã nêu trên đây.

Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện các quyền này sẽ khác nhau hoặc gặp nhiều khó khăn, trở ngại do sự cản trở của một bên, của hoàn cảnh sống hoặc thậm chí là do việc xa các con chung càng lâu thì tình cảm cha/mẹ con sẽ bị ảnh hưởng.

Một trong các vấn đề cơ bản tạo ra sự khác biệt trên thực tế đó là nơi ở của con sẽ theo nơi ở của cha/mẹ được giao quyền nuôi con xuất phát từ vấn đề này dẫn tới các quyền khác trực tiếp với con bị thay đổi hoặc hạn chế trên thực tế một cách cơ bản.

Ví dụ: Vì con ở với Cha/mẹ được giao quyền nuôi con nên các vấn đề có ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt vật chất, tinh thần, học tập hàng ngày của con sẽ do người trực tiếp nuôi con quyết định hoàn toàn mà người còn lại khó kiểm soát được.

  1. Nguyên tắc về việc giao quyền nuôi con cho một bên sau khi ly hôn:

Tranh chấp quyền nuôi con sau khi ly hôn chỉ xảy ra khi vợ chồng không thể thỏa thuận và với con dưới 18 tuổi hoặc con đã thành niên nhưng mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi (ví dụ: Bệnh tâm thần). Bởi lẽ,con ở giai đoạn này không có hoặc bị hạn chế hoặc hình thành chưa đầy đủ năng lực hành vi (pháp lý), nhận thức xã hội để bảo vệ chính mình hoặc tham gia các giao dịch xã hội, sinh hoạt hàng ngày.

Theo quy định của pháp luật, thực tế việc giải quyết tranh chấp quyền nuôi con, thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn tại tòa án thì việc giao quyền nuôi con cho một trong các bên sau khi ly hôn dựa trên các nguyên tắc, điều kiện cơ bản, như sau:

2.1. Nguyên tắc chung của việc giao quyền nuôi con sau khi ly hôn:

Vấn đề nuôi con là một trong các vấn đề dân sự, vì vậy nguyên tắc đầu tiên, cơ bản của mọi sự việc dân sự đều là tôn trọng thỏa thuận của các bên. Tòa án chỉ giải quyết khi các bên không thể thỏa thuận hoặc việc thỏa thuận đó không hợp pháp hoặc ảnh hưởng xấu/bất lợi đến quyền lợi của người khác. Vấn đề nuôi con cũng vậy, tòa án chỉ xem xét giải quyết nếu các bên không thể tự thỏa thuận về việc giao con chung cho ai nuôi dưỡng sau khi ly hôn.

Theo quy định tại khoản 2 điều 81 thì việc giao quyền nuôi con cho một bên sau khi ly hôn phải đảm bảo “quyền lợi về mọi mặt của con”. Mặc dù điều luật không quy định rõ thế nào là quyền lợi về mọi mặt của con? Tuy nhiên, trên thực tế và quá trình giải quyết của tòa án có thể khái quát về quyền lợi mọi mặt của con như sau:

Thứ nhất, quyền lợi về vật chất: Quyền lợi về vật chất tức là các điều kiện để bảo đảm các nhu cầu về ăn, ở, sinh hoạt cho con hay nói chung là vấn đề tài chính. Vì vậy, trong trường hợp các bên có tranh chấp về quyền nuôi con sau khi ly hôn, thì tòa án sẽ căn cứ vào các yếu tố chứng minh điều kiện bảo đảm về vật chất của một trong các bên làm thước đo để quyết định giao quyền nuôi con cho ai. Vấn đề này thường được đánh giá trên các yếu tố sau đây:

  • Chỗ ở: Được hiểu chung là chỗ ở hợp pháp, có nhà riêng hoặc có nhà thuê ổn định hoặc có điều kiện về chỗ ở chung với gia đình (bố mẹ vợ/chồng) sau khi ly hôn.
  • Thu nhập: Tiền lương từ lao động (Hợp đồng lao động; bảng lương tối thiểu 06 tháng; sao kê lương ngân hàng (nếu có)…); Thu nhập từ các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, ví dụ: cổ tức, lợi nhuận từ hoạt động của công ty, hợp đồng góp vốn ….; Thu nhập từ các khoản tài trợ hoặc tiền gửi ….
  • Phương tiện: Phương tiện phục vụ đời sống là tài sản riêng, ví dụ: Ô tô, xe máy, máy bay …

Thứ hai, quyền lợi về tinh thần: Để quyết định giao quyền nuôi con sau khi ly hôn cho một người, thì yếu tố vật chất như nói trên là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, trong trường hợp một bên còn lại tuy điều kiện vật chất không bằng, không tốt hơn nhưng có các điều kiện về tinh thần bảo đảm hơn nhiều thì xu hướng của tòa án thường giao con cho người có điều kiện bảo đảm yếu tố về tinh thần cho con nhiều hơn và bên không được giao quyền nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc sẽ được chia số lượng, giá trị tài sản ít hơn để cho bên còn lại bảo đảm quyền tốt hơn cho con.

Các yếu tố chứng minh điều kiện bảo đảm về yếu tố tinh thần cho con có thể kể đến như:

  • Trình độ học vấn, kỹ năng, kinh nghiệm để bảo đảm việc nuôi dạy con, đặc biệt trong các trường hợp con có các vấn đề về tâm sinh lý.

Ví dụ: Con bị tự kỷ hoặc các bệnh về tâm thần hoặc con có khả năng đặc biệt mà người kia có chuyên môn phù hợp với tình trạng sức khỏe, tâm lý của con.

Ví dụ: mẹ là bác sĩ chăm sóc cho con bị bệnh hen sẽ tốt hơn cha không có chuyên môn này

  • Tình trạng vi phạm pháp luật của cha mẹ: Được hiểu là cha/mẹ có tiền án, tiền sự hoặc thuộc diện có nhân thân xấu đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt là các hành vi liên quan tới bạo lực nói chung, bạo lực gia đình nói riêng hoặc xâm hại quyền lợi của trẻ em… sẽ khó có khả năng giành được quyền nuôi con khi bên còn lại không có các đặc điểm nhân thân xấu này.
  • Giới tính: Đối với các trường hợp con gái thì thường được ưu tiên giao cho mẹ nhiều hơn do đặc điểm chăm sóc về tâm, sinh lý.
  • Thời gian chăm sóc con: Thông thường, người có thời gian chăm sóc con thường sẽ được ưu tiên giao quyền nuôi con.  Ví dụ: 01 người lái xe container thường xuyên với các chuyến hàng xuyên ngày đêm hàng tháng không về thì không thể được quyền ưu tiên hơn mẹ làm giáo viên hoặc công nhân có thời gian cố định.
  • Việc giao quyền nuôi con không làm thay đổi nhiều đời sống, sinh hoạt, học tập của con: Trường hợp hai bên có tranh chấp, trong khi các điều kiện khác cơ bản là tương đương nhau, thì bên có yếu tố sau khi nhận quyền nuôi con không làm thay đổi việc học tập, sinh hoạt của con sẽ được ưu tiên giao quyền nuôi con để bảo đảm tính ổn định đời sống, tâm lý cho con.

2.2. Các trường hợp đặc biệt khác ảnh hưởng tới quyết định của tòa án khi giải quyết tranh chấp quyền nuôi con sau khi ly hôn:

Ngoài các điều kiện nêu trên đây, tòa án sẽ căn cứ vào các yếu tố sau để quyết định giao quyền nuôi con cho một trong các bên sau khi ly hôn, cụ thể:

Thứ nhất, trường hợp con dưới 36 tháng tuổi. Theo quy định tại khoản 3 điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con

Thứ hai, trường hợp con từ đủ 7 tuổi trở lên: Theo quy định tại khoản 2 điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Thứ ba, trường hợp tranh chấp nuôi con mà có từ 02 con trở lên: Về nguyên tắc chung, nếu cả hai vợ chồng đều có nguyện vọng nuôi con chung và không có các yếu tố khác làm bất lợi tuyệt đối cho một bên thì tòa án thường có xu hướng xét xử là giao cho mỗi người nuôi một con chung với nguyên tắc con gái giao cho mẹ và con trai giao cho bố nuôi dưỡng hoặc con nhỏ giao cho mẹ, con lớn giao cho bố.

Đối với đa phần trẻ nhỏ, việc bố mẹ ly hôn là một bất hạnh không do mình quyết định mà các con gặp phải trong đời sống.

Việc tranh chấp quyền nuôi con của một trong các bên thông thường là mong muốn giành tất cả những điều kiện tốt nhất cho con về mọi mặt từ vật chất đến tinh thần. Tuy nhiên, không ít trường hợp việc tranh chấp của một bên không nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi cho con hoặc bản thân người bố/mẹ đó tự huyễn hoặc cho rằng mình có thể bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho con nhưng trên thực tế không phải thế.

Ví dụ: Vụ việc thực tế luật sư CMA đã giải quyết. Vợ con bị đuổi ra khỏi nhà, về nhà bà ngoại ở nhiều năm, vợ chồng ly thân trên 5 năm. Vợ chồng có 02 con con lớn (cháu trai) đã trên 9 tuổi, con nhỏ (cháu gái) dưới 6 tuổi có bệnh lý nền. Một mình người vợ nuôi con, chồng chỉ thỉnh thoảng thăm gặp vài tháng 01 lần. Nay ly hôn, chồng đòi nuôi 01 trong các con. Trong khi thực tế cả 02 con đều không muốn ở với bố. Người vợ thì muốn các con được ở cạnh nhau không phải xa nhau, vì vậy có đề nghị với chồng phương án: Chồng nuôi 2 con để các con ở cùng nhau có anh có em hoặc để vợ nuôi cả. Tuy nhiên, người chồng nói chỉ nuôi 01 trong các cháu do không có điều kiện kinh tế, thời gian còn nuôi cháu nào cũng được còn không thì để tòa án giải quyết.

Việc tranh chấp quyền nuôi con của bố mẹ đôi khi vô tình lại làm tổn thương các con của chính mình mà bản thân có lẽ tại thời điểm đó họ cũng không hiểu được. Việc giao quyền nuôi con không phải là cố định, quyền nuôi con có thể thay đổi bất kỳ lúc nào theo yêu cầu của một bên khi có căn cứ chứng minh rằng bên được giao quyền nuôi con đang không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Thậm chí, bên còn lại có quyền yêu cầu tòa án tuyên thay đổi quyền nuôi con và hạn chế các quyền của cha/mẹ với con trong trường hợp người trực tiếp nuôi con có hành vi vi phạm nghiêm trọng các quyền của con như:

  • Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
  • Phá tán tài sản của con;
  • Có lối sống đồi trụy;
  • Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_img

Bài viết được quan tâm